Nợ ngắn hạn tăng “bất thường” đến 8.241%

TTV- Các khoản nợ của Sovico Group tăng nhanh đến “bất thường” và đẩy các mục nợ vay lên cao gấp vài chục lần chỉ trong một năm.

Tính đến cuối năm 2022, các khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Sovico (Sovico Group) đã lên đến 115.840 tỷ đồng, tăng phi mã 164% so với con số đầu năm. Số nợ ngắn hạn chiếm đến 68% và tăng “bất thường” đến 713%, lên đến 79.001 tỷ đồng.

Trong đó, vay ngắn hạn tăng 190%, chạm ngưỡng 20.331 tỷ đồng. Các khoản phải trả ngắn hạn khác tăng 6.036%, vượt 35. 219 tỷ đồng. Khoản vốn chiếm dụng từ người bán ngắn hạn tăng đến 8.241%, vượt 14.346 tỷ đồng. Các khoản nợ còn lại cũng đồng loạt tăng gấp hàng chục lần so với kết số cuối 2021. Khối nợ ngắn hạn khổng lồ này đã và đang tạo ra áp lực rất lớn cho Sovico Group. Bên cạnh đó, đối với số nợ dài hạn lên đến hơn 36.838 tỷ đồng, khoản vay dài hạn chiếm 66%, tương ứng hơn 24.201 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Sovico Group Nguyễn Thị Phương Thảo.

Như vậy, để gia tăng tài sản lên gấp 3 lần, đơn vị này đã sử dụng cũng gần gấp 3 lần đòn bẩy. 70% khối tài sản này hình thành từ các nguồn vay nợ.

Trước đó, cuối tháng 4, Chủ tịch HĐQT Sovico Group Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký nghị quyết với nội dung thay đổi kỳ hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ từ 36 tháng thành 60 tháng. Theo đó, 52 mã trái phiếu lần lượt đáo hạn từ tháng 5 đến tháng 8/2023 sẽ gia hạn đến 2025.

Đối với tình hình hoạt động của Công ty CP Hàng Không Vietjet, hãng hàng không này cũng đang gánh khoản nợ lên đến 56.144 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 58%. Đối với nguồn hình thành tài sản của Vietjet tính đến cuối quý 2/2023, 79% tài sản được mua sắm bằng tiền vay nợ.

BCTC quý 2/2023 của Vietjet cũng cho thấy, tổng các khoản nợ đã gấp 3,66 lần vốn chủ sở hữu. Với thực trạng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 125 tỷ đồng, đơn vị này phải vay nợ lên đến 11.929 tỷ đồng để duy trì các hoạt động. Tuy nhiên, số tiền phải chi để trả nợ gốc vay lại lên đến 11.944 tỷ đồng. Do đó dòng tiền thuần trong hoạt động tài chính cũng âm hơn 18 tỷ đồng.

Cuối tháng 7 vừa qua, Vietjet đã công bố thông tin bất thường về việc thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo để lấy tiền chi trả các chi phí hoạt động. Trước đó, cuối tháng 5, hãng hàng không này cũng đã phát đi thông báo phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh. Tính đến cuối tháng 6/2023, nợ trái phiếu thường dài hạn của Vietjet đã tăng thêm 1.200 tỷ đồng, lên 11.200 tỷ đồng. Số nợ trái phiếu dài hạn đến hạn phải trả là 650 tỷ đồng. Những lô trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo.

Thêm một doanh nghiệp khác trực thuộc Sovico Group cũng đang “nặng nợ” là Công ty CP Địa ốc Phú Long. Doanh nghiệp này đang gánh số nợ lên đến 60.134 tỷ đồng, nghĩa là gấp hơn 3 lần số vốn tự có và tăng 54% so với kết số 2021. Như vậy, căn cứ dữ liệu đã được công bố, có đến 75% tài sản của Phú Long hình thành từ các nguồn vay nợ. Hoạt động kinh doanh của Phú Long trong năm 2022 cũng không được khả quan khi lãi ròng sụt giảm 36%.

Đối với mảng tài chính, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) kết thúc quý 2/2023 với 6.179 tỷ đồng nợ xấu, tăng đến 40% chỉ trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, 1.718 tỷ đồng dư nợ vay có khả năng không thể thu hồi. Hiện tại, ngân hàng này đang có dư nợ cho vay ngắn hạn đối với Vietjet lên đến 3.372 tỷ đồng, chiếm đến hơn một nửa tổng số nợ vay ngắn hạn của hãng hàng không này.

Đặng Thành