Ai đã kéo ABBank “xuống nước”?

TTV- Thu nhập tăng nhưng lãi lại giảm đột biến, trong khi độ phủ nợ xấu tại ABBank lại mỏng đến đáng ngờ.

Lãi ròng quý 2/2023 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tụt giảm đến 94% so với cùng kỳ, tức chỉ đạt gần 53 tỷ đồng. Như vậy, trong cả 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã trượt dốc 59%.

Biến động này chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ việc trích lập dự phòng tín dụng theo thông tư 11/2021/TT-NHNN”, lãnh đạo ABBank lý giải trong công văn giải trình gửi UBCKNN.

Mặc dù lý giải biến động do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhưng độ phủ nợ xấu tại ABBank lại mỏng đến đáng ngờ.

Đối chiếu con số thu nhập lãi và khác khoản thu nhập tương tự, trong quý này, ABBank đạt đến 2.682 tỷ đồng, tức tăng 39% so với cùng kỳ. Đồng thời, con số lũy kế cũng vượt 44%, cán mốc 5.198 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu như chi phí lãi và chi phí tương tự trong quý 2/2021 chỉ chiếm 49% thì quý này lên đến 71%. Từ đó, tỷ lệ chi phí trong thu nhập lãi lũy kế chiếm đến 70%, trong khi cùng kỳ cũng chỉ 50%.

Đối với cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ, kết quả quý này tăng đến 112%, nhưng chi phí tăng đến 139%. Cụ thể, tỷ lệ chi phí/thu nhập trong quý 2/2023 đến 61% so với 54% của cùng kỳ.

Những yếu tố trên cho thấy, chưa xét đến khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, công tác quản trị chi phí tại ABBank đã khiến cho hiệu quả hoạt động bị giảm đáng kể. Cụ thể là con số lãi hoàn toàn không cân xứng với tổng thu nhập đạt được.

Đối với khoản trích lập dự phòng, quý này ABBank ghi nhận đến 698 tỷ đồng, tức tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ, cũng có nghĩa gấp gần 6 lần so với con số đã trích lập trong quý 1. Tuy nhiên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này trong quý 2 chỉ 34%, trong khi quý 1 có khá hơn đôi chút thì cũng chỉ 35,7%.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của ngân hàng này cũng cho thấy rằng, trong quý 2/2023, hơn 559 tỷ đồng đã “bốc hơi” do giảm nguồn dự phòng để xử lý rủi ro, xử lý, bù đắp tổn thất các khoản.

Những điều này có nghĩa chất lượng tín dụng tại ABBank vô cùng thấp và những khoản tín dụng chất lượng thấp này đã tăng đột biến trong thời gian rất ngắn.

Bằng chứng rõ ràng hơn, khi tháng 6 kết thúc cũng đồng thời ABBank “thu hoạch” được 1.124 tỷ đồng có khả năng mất trắng. Và trong tổng dư nợ 84.020 tỷ đồng, tỷ lệ các nhóm 3,4,5 đã vượt 4,5%. Trong đó, so với đầu kỳ, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 156%, nợ nghi ngờ tăng 211%.

Nhìn rộng hơn một chút, nợ cần chú ý cũng đã bứt tốc 85%. Điều này cho thấy những rủi ro tiềm tàng đẩy số nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh trong tương lai gần.

Tính đến cuối năm 2022, ABBank cũng đang ôm khoản nợ trái phiếu lên đến 6.700 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2022, đơn vị này đã chi đến 5.500 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và 417 tỷ đồng lãi trái phiếu.

Thực trạng tại ABBank có lẽ rất giống với Tập đoàn Geleximco – Công ty CP (Geleximco), một đơn vị có mối quan hệ “mật thiết” với ngân hàng này. Bằng chứng là hầu hết các vị trí trọng yếu tại ABBank đều do những cá nhân có mối quan hệ gia đình với lãnh đạo Geleximco nắm giữ, chi phối và điều này đã được đề cập ở bài 1- Geleximco, ABBank và những mối quan hệ “đặc biệt”.

Còn tiếp…

Đặng Thành