Chủ tịch Vingroup: Xe điện Trung Quốc không thể chiếm 100% thị phần Việt Nam

Không lo ngại cạnh tranh tại thị trường Việt Nam

Theo lịch trình dự kiến, màn hỏi đáp giữa các cổ đông với chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng sẽ có thời lượng 30 phút nhưng được kéo dài tới hơn 40 phút. Thậm chí, tỷ phú Vượng còn phải thốt lên “thế này chắc kéo dài đến chiều” khi có quá nhiều câu hỏi được đặt ra và phần lớn xoay quanh câu chuyện đầu tư vào VinFast của Vingroup.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng tại phiên họp cổ đông thường niên sáng 17/5. Ảnh: Vingroup

Tại cuộc họp, một cổ đông đặt câu hỏi lo ngại về bối cảnh cạnh tranh trong nước khi xe điện giá rẻ của Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam.

“Xe Trung Quốc theo quan điểm của tôi là “nước sông không phạm nước giếng”. Họ có nhóm khách hàng của họ. Chúng tôi có định vị của chúng tôi. Xe Trung Quốc không thể chiếm 100% thị phần ở Việt Nam, toàn cầu, thậm chí tại Trung Quốc. Tại Trung Quốc, xe nước ngoài cũng bán với giá rất rẻ. VinFast cũng không có tham vọng chiếm 50% chứ không nói 100% thị phần. Cho nên đấy là câu chuyện kinh doanh, cạnh tranh bình thường, vui vẻ thoải mái”, chủ tịch Phạm Nhật Vượng thẳng thắn nói.

Ông cho rằng sản phẩm đắt hay rẻ lại phụ thuộc vào hợp hay không hợp, thích hay không thích, phụ thuộc vào nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Ông tin tưởng Việt Nam có rất nhiều người yêu nước và VinFast chỉ cần sản phẩm tốt thì sẽ được nhiều người ủng hộ. Ngoài ra, Vingroup có một hệ sinh thái rất tốt để ủng hộ những người mua xe của mình.

Ra mắt ôtô điện ‘siêu nhỏ’ vào cuối năm 2024

Trong phiên họp thường niên sáng (17/5). Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, một trong những mục tiêu của VinFast là trở thành hãng xe điện dẫn đầu thị trường về độ phủ trong các phân khúc sản phẩm. Việc sản xuất xe sedan đang được cân nhắc vì thực tế tỷ lệ bán xe sedan ngày càng thấp so với xe SUV.

Ông Vượng chưa tiết lộ thêm các thông tin cụ thể về mẫu xe sắp bán, nhưng cho biết là “xe siêu nhỏ, giá thành rẻ”, có thể xuất hiện cuối 2024. Phía VinFast cho biết trong vài tuần nữa sẽ công bố chính thức về dòng xe này.

Nếu mẫu xe mới của VinFast ra đời, với tên dự kiến VF 3, phân khúc này sẽ có hai lựa chọn. Một bên là dòng sản phẩm mới của hãng xe Việt, một bên là chiếc xe điện mini bán chạy nhất Trung Quốc và thế giới năm vừa rồi. Với dòng xe siêu nhỏ này, lựa chọn sạc thường chỉ là cắm trực tiếp vào nguồn điện dân dụng, không đòi hỏi hệ thống sạc phổ biến như những dòng xe lớn hơn.

Tại cuộc họp, một cổ đông đặt câu hỏi về tình hình tối ưu chuỗi cung ứng hiện tại của VinFast để tiết giảm chi phí, cạnh tranh được với Tesla hay Volkswagen. Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Nhật Vượng cho biết hiện nay chuỗi cung ứng của VinFast rất ổn. Tuy nhiên, tập đoàn này đang tối ưu chuỗi cung ứng với 2 chiến lược.

Thứ nhất, công ty đặt ra một là mục tiêu giảm số lượng các nhà cung ứng, các nhà cung cấp bằng cách tối ưu linh kiện. Hiện nay công ty có 6 mẫu xe, sẽ tối ưu linh kiện để dùng chung linh kiện. Điều này sẽ giúp việc đầu vào có sản lượng hàng lớn, giá mua sẽ càng thấp.

Vấn đề thứ hai là tăng độ mức độ nội địa hóa. “Chúng tôi đã gặp rất nhiều nhà sản xuất từ các nước để họ mở nhà máy tại Việt Nam. Đây là quá trình lâu dài”, ông Vượng chia sẻ.

Trong phần báo cáo kết quả kinh doanh, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết VinFast ghi dấu ấn trong năm 2022 khi là nhà sản xuất xe xăng đầu tiên trên thế giới chính thức trở thành một hãng xe thuần điện.

Sân chơi xe điện mini hiện vẫn là đất diễn tuyệt đối của các hãng xe tới từ Trung Quốc. Tổng doanh số của các hãng đến từ quốc gia này chiếm tới 95,6% toàn phân khúc, nhưng cũng chủ yếu bán thị trường nội địa. SAIC là cái tên lấn lướt toàn bộ các đối thủ khác với chiếc Wuling Honguang Mini EV sắp bán ở Việt Nam. Trong khi Changan, Chery cạnh tranh gay gắt cho vị trí thứ hai.

Quỳnh Chi tổng hợp