Cùng với Ấn Độ, Việt Nam trong nhóm quốc gia hàng đầu được các tập đoàn bán dẫn toàn cầu cân nhắc đầu tư thời gian tới, theo Bain & Company.
Theo ông Wade Cruse, Việt Nam cùng với Ấn Độ đang là hai điểm đến triển vọng cao về thu hút đầu tư bán dẫn.”Khi trao đổi với khách hàng là các tập đoàn bán dẫn toàn cầu, họ nói rằng Việt Nam đứng vị trí một hoặc hai trong kế hoạch đầu tư cho thế hệ tiếp theo”, ông cho biết.
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước. Reuters cho biết bán dẫn dự kiến là một chủ đề thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam từ ngày 10/9.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, được chứng minh bởi các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào Việt Nam như công ty Amkor Technology hay tập đoàn Intel, với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của công ty được đặt tại TP HCM.
Các lãnh đạo doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ chỉ ra rằng “back-end” là lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng then chốt tại Việt Nam, theo Reuters. “Back-end” dùng để chỉ giai đoạn sau khi các thành phần cơ bản của chip bán dẫn đã được tạo ra thông qua quy trình chế tạo mạch (front-end), ví dụ như chia wafer (tấm silicon lớn chứa nhiều chip), sản xuất thành phẩm, kiểm định, đóng gói.
Trong khi đó, ông Wade Cruse của Bain & Company khu vực Đông Nam Á, cho rằng lợi thế thu hút đầu tư sản xuất bán dẫn của Việt Nam nằm ở hệ sinh thái dần hình thành tốt, có tài năng, kỹ thuật công nghệ và các công ty nhỏ phục vụ ngành.
Gần đây, hệ sinh thái ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam đã có một số bước tiến mới. Hồi tháng 5, Marvell Technology (Mỹ) công bố kế hoạch lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TP HCM. Mới hôm 6/9, Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) ra mắt ở Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP).
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, với Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển hơn nữa hạ tầng khoa học công nghệ, thêm cơ sở vật chất phục vụ cho các ngành công nghệ cao, trong đó có vi mạch bán dẫn.
“Thành phố cam kết sẽ trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, mang tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế”, ông Mãi nói.
Ông Andrea Campagnoli, Đối tác sáng lập kiêm Trưởng văn phòng Bain tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đang có triển vọng kinh tế vĩ mô và kinh doanh tích cực. Nền kinh tế này dự kiến bước vào top 3 lớn nhất Đông Nam Á vào 2025, vượt Philippines và Singapore; với GDP tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm giai đoạn 2022-2032.
Đây là lý do họ quyết định đến TP HCM lập văn phòng. Động lực khác gồm Việt Nam có nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai nhờ dân số lớn (khoảng 100 triệu người) và có tỷ lệ cao (khoảng 71%) dùng các phương tiện kỹ thuật số hàng ngày.
Ngoài ra, nền kinh tế tiêu dùng Việt Nam đang phát triển, với tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Riêng nền kinh tế số dự kiến đạt giá trị khoảng 50 tỷ USD vào 2025, từ mức 23 tỷ USD hiện nay. “Đặc biệt, chúng tôi cũng nhìn thấy được tiềm năng to lớn của các tài năng trẻ”, ông Andrea nhận xét.
Tại Việt Nam, Bain nhắm đến các hoạt động tư vấn chuyển đổi hoạt động kinh doanh, thúc đẩy đổi mới dựa vào công nghệ – bao gồm các giải pháp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi Net Zero và chiến lược M&A. Hồi tháng 2, Bain đã liên minh với OpenAI lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ở Việt Nam, Bain ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn FPT, tạo điều kiện hỗ trợ các hoạt động tư vấn chuyển đổi số.
Theo vnexpress