Tồn kho tăng đột biến, doanh thu chỉ tượng trưng

TTV- Điều kỳ lạ Công ty vàng Cencon đã đột ngột gia tăng tồn kho hàng kim hoàn nhưng con số doanh thu ghi nhận được từ kinh doanh kim hoàn lại rất thấp.

Nghịch lý gia tăng tồn kho nhưng doanh thu chỉ tượng trưng

Trong cơ cấu hàng tồn kho của Công ty CP Cencon Việt Nam, hàng kim hoàn chiếm đến 59%, tương ứng gần 61 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ mảng kim hoàn chỉ đóng góp 9% trong cơ cấu doanh thu của đơn vị này. Trước đó, trong năm 2022, Cencon đã gia tăng đột biến lượng tồn kho hàng kim hoàn lên đến 146% so với năm trước đó.

Website của Cencon Việt Nam

Trong khi đó, liên quan đến nguồn cung ứng vàng nguyên liệu trong nước, với thực tế hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ một đơn vị nào nhập khẩu vàng nguyên liệu, dẫn đến thực trạng ngày càng khan hiếm. Bối cảnh này đã liên tục đẩy giá vàng lên mức cao, chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới. Do đó, việc duy trì lượng tồn kho lớn và sẵn sàng cung ứng bất kỳ lúc nào không phải là điều dễ dàng.

Mặt khác, thống kê của WGC cũng cho thấy, tại khu vực tiêu thụ vàng trang sức mang tính truyền thống là Đông Nam Á, Việt Nam đang dẫn đầu tốc độ tăng trưởng với tỷ lệ 51%, và con số đã tiêu thụ trong năm 2022 là 18 tấn, cao nhất trong 4 năm qua.

Những nguyên nhân trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy một lượng vàng nguyên liệu lớn nhập lậu vào Việt Nam. Nhiều khả năng nguồn vàng này đã được hợp thức hóa để lách qua những quy định quản lý vô cùng chặt chẽ bởi Nghị định 24/NĐ – CP, trôi nổi trên thị trường và được thu mua bởi các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang sức vốn đang rất khát nguyên liệu. Vụ việc 3 tấn vàng nhập lậu liên quan đến Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý trong vài tháng trước đây là một điển hình.

Hướng đến mục tiêu… “không chia cổ tức”

Kết quả giữa niên độ 2023 cho thấy, doanh thu trong kỳ tiếp tục giảm 38% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại giảm đến 96%, chỉ đạt con số tượng trưng hơn 50 triệu đồng. Trong khi đó, đơn vị này đặt mục tiêu 2023 đạt lãi 1,4 tỷ đồng. Như vậy, nửa năm đã trôi qua nhưng Cencon chỉ đạt 4% so với kế hoạch.

Nhìn lại năm 2022, mặc dù con số lợi nhuận theo kế hoạch đặt ra chỉ vỏn vẹn 11,6 tỷ đồng, nhưng Cencon chỉ đạt 0,01% kế hoạch, cụ thể là hơn 1,1 triệu đồng. Trong khi đó, doanh thu đạt gần 187 tỷ đồng, tức là tương đương 74,6% kế hoạch đặt ra. “Trong năm, các chi phí hoạt động của công ty tăng cao. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động kinh doanh khách sạn trong năm 2022 chưa phát sinh do khách sạn tỉnh Lào Cai đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào sử dụng”, Cencon lý giải.

Nếu như trong năm 2022, Cencon không thể hiện thực hóa kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 5%, thì trong năm 2023, đơn vị này hướng đến mục tiêu…không chia cổ tức. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị này cũng đề xuất không tiếp tục chi trả cổ tức năm 2021.

Đối với số tiền thu được từ đợt phát hành gần 10,3 triệu cổ phiếu trong năm 2022 để nâng vốn điều lệ từ hơn 114 tỷ đồng lên hơn 217 tỷ đồng, đơn vị này dùng 80 tỷ đồng để trả nợ vay và gần 23 tỷ để trả nợ nhà cung cấp, cùng các khoản nợ khác. Như vậy, toàn bộ số tiền huy động được từ cổ đông đều bị mang đi trả nợ.

Căn cứ dữ liệu gần nhất cho thấy, Cencon đang cố xoay sở trong phạm vi số vốn tự có khi mà trong kỳ không ghi nhận lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính. Đồng thời, số nợ mà đơn vị này đang có chỉ hơn 1 tỷ đồng. Đây cũng chính là điểm nghi vấn. Bởi lẽ dòng tiền thuần lưu chuyển trong hoạt động kinh doanh tại đơn vị nay đang âm 7,6 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 7,5 tỷ đồng. Nếu nhìn về cơ cấu tài sản, thì 97% tồn tại dưới dạng hàng tồn kho, nợ chưa thu hồi và các hình thức dài hạn khác. Trong đó, tồn kho chiếm đến 47% tổng tài sản và 74% tài sản ngắn hạn. Tổng thể, thanh khoản tại Cencon đã bó khá chặt.

Công ty CP Cencon Việt Nam có trụ sở chính tại lô 45 – 50B Thủy Hoa, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Chủ tịch HĐQT hiện thời là ông Trần Mạnh Sơn. Một trong những hoạt động chính của đơn vị này là sản xuất, kinh doanh trang sức, vàng, bạc, đá quý. Tính đến cuối tháng 6/2023, ông Sơn nắm giữ 1,1 triệu cổ phiếu CEN, tương ứng 5,07% cổ phần. Trong khi đó, ông Lê Văn Bình, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc nắm giữ hơn 2,1 triệu cổ phiếu CEN, tương ứng 9,84% cổ phần. Bà Trần Thị Hà, thành viên BKS sở hữu 2 triệu cổ phiếu CEN, tức là 9,21% cổ phần. Kế toán trưởng Trần Ngọc Sơn có trong tay 2,1 triệu cổ phiếu CEN, tương ứng 9,67% cổ phần.

Thuận Nam