Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử EBI năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố, trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định.
Năm 2021 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai.
Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6-9/2021 trùng với đợt dịch thứ tư. Trong thời gian diễn ra hai làn sóng này toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Đồng thời, người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh và vững chắc hơn.
Báo cáo EBI 2022 đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commere) có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở nước ta, tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại mọi địa phương.
Chẳng hạn, tại nhiều khu vực có mật độ dân cư cao, điển hình như các chung cư, một số cư dân đã ứng dụng các mạng xã hội để tạo ra cộng đồng khách hàng mua sắm trực tuyến thân thiết. Các cư dân này thường là phụ nữ nội trợ hoặc những người có thời gian rảnh và muốn tăng thu nhập ngoài công việc chính của họ.
Những mặt hàng được mua sắm phổ biến nhất theo mô hình này là thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ dùng gia đình. Trên thực tế, một tỷ lệ nhất định những cư dân này đã trở thành thương nhân và sau đợt dịch thứ tư họ vẫn tiếp tục kinh doanh thành công.
Với mô hình mua bán trong cộng đồng, sức mạnh của thương mại điện tử có thể sẽ chuyển từ các nhà sản xuất và phân phối tới đông đảo người bán cá nhân và có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Xu hướng phát triển của mô hình mua bán trong cộng đồng ở Việt Nam cũng tương đồng với các nước đang phát triển tiên phong về thương mại điện tử.
Tuy nhiên, EBI cũng nhấn mạnh sự phát triển nhanh của thương mại điện tử nước ta phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo năm nay đã phân tích kỹ hơn hai điều kiện cần này đối với thương mại điện tử giai đoạn tới. Trong đó, nguồn nhân lực thương mại điện tử vừa thiếu vừa yếu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc lựa chọn tên miền chưa phù hợp cũng như hiệu quả hoạt động rất thấp của các sàn thương mại điện tử tại các địa phương.
TP.HCM và Hà Nội là những địa phương chịu phong tỏa nặng nề nhất để phòng chống Covid-19 nhưng tiếp tục dẫn đầu về thương mại điện tử. Trong khi đó, các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử hầu như chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử. Trên phạm vi cả nước, việc thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài và trong nước vào các nền tảng thương mại điện tử chỉ là một điều kiện cần cho sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước chính là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới.
Với thực trạng trên, trong giai đoạn tiếp theo VECOM tiếp tục đề xuất các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động hỗ trợ các địa phương thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
PV