‘Sống chung’ với lãi suất tăng, doanh nghiệp cần làm gì?

Trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất cho vay chưa dừng lại, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của doanh nghiệp cấp thiết hơn bao giờ hết.

Lãi suất huy động liên tục tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng vọt, đặc biệt cho vay cá nhân tăng tới 2 – 4%/năm so với đầu năm, lên đến 14% chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe và doanh nghiệp vào khoảng 9%. Thậm chí, nhiều ngân hàng chỉ chấp nhận giải ngân nếu khách hàng đồng ý “mua bia kèm lạc”.

Lãi suất cho vay tăng mạnh

Chị Thái Hà (Thanh Hoá) cho biết, chị có một khoản vay tại một ngân hàng với kỳ hạn 12 tháng, trả lãi 8,5%/năm. Tuy nhiên, trong kỳ trả lãi mới đây, ngân hàng áp dụng mức lãi suất mới lên đến 11%/năm, tăng 2,5% so với đầu năm.

-3361-1666534093.jpg

Dự báo lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, anh Nguyễn Lê Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, anh “choáng váng” khi nhận được thông báo lãi suất khoản vay mua nhà tăng lên 14%/năm thay vì 8,5%/năm như trước. “Khoản vay của tôi đã hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi theo thị trường, nhưng tăng mạnh như vậy thì tôi không biết sẽ phải xoay xở như thế nào”, anh Hoàng than thở.

Không riêng khoản vay cá nhân, giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết: Đầu năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 7 – 8%/năm nhưng nay đã là 9 – 10%/năm. “Lãi suất vay của công ty tôi đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm. Với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng, mỗi năm, công ty phải trả thêm khoản tiền lãi hơn 50 tỷ đồng so với trước”, vị này tính toán.

Lãi suất tăng mạnh, song không phải ngân hàng nào cũng thoải mái giải ngân. Theo phản ánh của một số khách hàng, tại một số ngân hàng, khách hàng phải đồng ý “bia kèm lạc”, tức mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân, nếu không, nhân viên tín dụng có thể gợi ý khách hàng trả phí khoảng 2% để được giải ngân.

Anh Lê Thiều Sơn, nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần lớn, thừa nhận lãi suất cho vay mua nhà, mua xe đang xoay quanh mức 12- 14%/năm vì lãi suất huy động kỳ hạn dài đã vượt 9%/năm. Nhưng muốn vay cũng không dễ vì room tín dụng còn quá ít, chỉ chi nhánh nào huy động được vốn mới giải ngân thêm.

Một số nhà băng thậm chí đã dừng chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu. Chẳng hạn như tại TPBank, khách vay mua xe phải chịu lãi suất thả nổi ngay từ năm đầu tiên với mức 13,3% – tức bằng biên độ 4,1% cộng với lãi suất cơ sở 9,2%/năm.

TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính khuyến nghị, doanh nghiệp nên tái cơ cấu hoạt động sản xuất – kinh doanh, sử dụng tiết kiệm vốn cũng như đa dạng hóa nguồn vốn hơn. Nghị định 65/2022/NP-CP của Chính phủ vừa ban hành dễ thở hơn so với dự thảo trước đó được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khởi động lại kênh huy động vốn bằng trái phiếu, giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Tại BIDV, lãi suất khoản vay mới áp trong năm đầu cũng đã tăng từ 7% lên 9,5% – tương đương với mức lãi suất thả nổi tại nhà băng này.

“Sống chung” với lãi suất tăng

Lý giải đà đi lên mạnh của lãi suất cho vay, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay những năm trước đã giảm xuống mức thấp, giờ đang tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng vào cuối năm thường rất cao. Đây là thời điểm bắt đầu năm dương lịch nhưng lại cuối năm âm lịch, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết, trả lương, thưởng, khởi công dự án… rất lớn.

Hơn nữa, thị trường dự báo lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng, nên việc đẩy mạnh huy động vốn bằng nâng lãi suất huy động là điều dễ hiểu. Khi nguồn vốn đầu vào tăng, thông thường lãi suất cho vay sẽ cao hơn huy động 3 – 5%. Ví như huy động kỳ hạn 6 tháng là 7,5%/năm, thì lãi suất cho vay sẽ dao động 10,5 – 13%/năm tùy theo mục đích sử dụng vốn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND gia tăng cũng đang gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Đáng chú ý, theo Thống đốc, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân quỹ Nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

“Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích.

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của doanh nghiệp cấp thiết hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp phải tìm giải pháp làm sao tối ưu hoá được nguồn vốn, thu tiền nhanh hơn, kiểm soát dòng tiền, giảm vay tiền ngân hàng.

vnbusines