Ngân hàng VPBank và “bóng ma” FE Credit

TTV- Với tỷ trọng đóng góp lớn vào thu nhập, liệu “hồi cáo chung” của FE Credit có giật sập tượng đài “thịnh vượng” Ngân hàng VPBank?

Từ con gà đẻ trứng vàng

Tiền thân của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) là Khối Tín dụng tiêu dụng trực thuộc VPBank. Tháng 2/2015, FE Credit chính thức trở thành pháp nhân độc lập.

Theo con số thống kê từ BCTN VPBank, cũng trong năm 2015, FE Credit đã mở rộng mạng lưới giao dịch từ 4.100 điểm lên 5.500 điểm, qua đó tiếp cận hơn 1,1 triệu khách hàng mới. Sang 2016, FE Credit tiếp tục thu hút mới 2,7 triệu tài khoản, số điểm giao dịch tăng lên 7.900.

FE Credit có tỷ lệ đóng góp lớn vào TOI của VPBank
FE Credit có tỷ lệ đóng góp lớn vào TOI của VPBank

Năm 2017, đơn vị này đã giải ngân 3,7 triệu khoản vay mới, qua đó nâng doanh thu từ 8.552 tỷ đồng của năm 2016, vốn đã tăng trưởng gấp đôi so với 2015, lên 12.957 tỷ đồng. Lãi ròng cũng tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.358 tỷ đồng. Nguồn thu của FE Credit trong năm 2017 đã đóng góp đến 52% TOI của VPBank, năm trước là 51%.

Và khi năm 2018 kết thúc, FE Credit đã có trong tay 10 triệu khách hàng, đóng góp chủ yếu vào tỷ trọng 35% dư nợ cấp tín dụng vay tín chấp của VPBank, đồng thời tạo ra hơn 16.000 tỷ đồng thu nhập, tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp 52% TOI của VPBank. Theo thống kê của đơn vị này, đến thời điểm bấy giờ, hệ thống phân phối đã mang đến gần 200.000 khoản vay mỗi tháng.

Trong năm 2019, tình hình khả quan tiếp tục duy trì với lãi ròng 3.590 tỷ đồng, tiếp tục tăng nhẹ so với 2 năm 2017 và 2018. Nhưng vốn chủ sở hữu đã tăng đến 48% so với 2017, từ từ 8.436 tỷ đồng lên 12.520 tỷ đồng.

Như vậy, nhìn sơ qua, FE Credit đang đạt được con số tăng trưởng trong mơ và mang lại khoảng lợi nhuận khổng lồ mà khiến nhiều ngân hàng phải thèm khát.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu các chỉ số, đặc biệt tỷ suất giữa thu nhập và vốn theo từng năm, có thể nhận ra lãnh đạo đơn vị này đang gặp khó khăn trong việc khai thác hiệu quả trên từng đồng vốn. Và thực trạng này mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.

Nếu như 2017 tỷ suất đạt 49,71% thì sang 2018 chỉ còn 32,67%. Và tiếp tục trượt dốc về 28,68% trong năm 2018. Theo con số mà VPBank công bố, số lượng khách hàng mà Fe Credit có được trong năm 2019 là 10 triệu, đồng nghĩa đà tăng trưởng đã bị chặn đứng so với 1 năm trước đây.

Cùng với thực trạng này, khoản nợ mà FE Credit phải gánh cũng đã gấp vượt 4 lần so với số vốn có được, có thời điểm tiệm cận 5 lần.

Những tín hiệu trên đây đã gióng hồi chuông cảnh bảo “hồi cáo chung” của một tổ chức tín dụng đầy tai tiếng. Càng nghiêm trọng hơn khi cũng đến thời điểm này, FE Credit vẫn là nhân tố trọng yếu cho động lực tăng trưởng của VPBank, đóng góp quan trọng vào con số 68% dư nợ tín dụng, bên cạnh phân khúc khách hàng cá nhân và SME. Tức là tăng trưởng 17,6% so với năm 2018 và cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong ngành là 12,1%.

Đến gánh nặng của Ngân hàng VPBank

Năm 2020, FE Credit đẩy mạnh huy động vốn để gia tăng vốn chủ sở hữu lên hơn 15.489 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ vượt 24% so với năm trước đó. Tuy nhiên, điều nghịch lý là con số lãi không tăng theo con số vốn, mà lại tiếp tục trượt dốc, giảm 17% so với 2019, chỉ còn 2.970 tỷ đồng.

Tỷ suất lãi chỉ còn vỏn vẹn 19%. Mặc dù, cũng theo con số VPBank công bố, mạng lưới FE Credit trong năm này đã cấp đến 250.000 khoản vay mới mỗi tháng, tăng đến 25% so với 2 năm trước.

Và chỉ 6 tháng sau đó, theo quy định hiện hành, FE Credit đã buộc phải cung cấp con số gây chấn động trong lĩnh vực này, đó là con số lãi trượt dốc không phanh chỉ còn một nửa so với cùng kỳ. Trong khi số nợ trái phiếu tăng phi mã và đã gấp 24,36 lần so với con số vốn chủ sở hữu, mặc dù vốn chủ sở hữu của đơn vị này vẫn không ngừng tăng. Hiệu quả sử dụng vốn cũng rơi tự do khi tỷ suất chỉ đạt 5,6% so với 13,3% cùng kỳ.

Sự sa sút của FE Credit liệu có giật sập tượng đài “thịnh vượng” Ngân hàng VPBank?

Và khi năm 2021 kết thúc, số nợ trái phiếu đã vượt 25 lần vốn, nhưng lãi đã giảm 10 lần so với 2020, tức trượt dốc đến 89%, chỉ còn vỏn vẹn 313 tỷ đồng, mặc dù con số vốn sử dụng trong giai đoạn này tiếp tục tăng nhẹ so với cùng kỳ. Kỳ lạ hơn, VPB công bố trong năm này, số lượng khách hàng mà FE Credit đã lên đến 12 triệu khách hàng, tăng 2 triệu khách so với giai đoạn 2019. Một trong những nguyên nhân mà đơn vị này đưa ra là gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu hồi nợ. Tính đến cuối 2021, khoản phải thu ròng lên đến 75.400 tỷ, tăng 14% so với 2020.

Tiếp tục đối chiếu con số kỳ 6 tháng kế tiếp, số lãi mà FE Credit tiếp tục rơi tự do 6 lần so với cùng kỳ, tức tụt dốc tiếp 84%, đưa tỷ suất lợi nhuận về 0,9%. Để rổi cuối năm 2022, đơn vị này đã “kích hoạt” quả bom lỗ 2.376 tỷ đồng, đưa tỷ suất lãi về con số không tưởng, tức âm 17,9%, và cũng là lần đầu tiên “giật sập” con số vốn chủ sở hữu, trở về mốc 13.241 tỷ đồng. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử của đơn vị này, VPB buộc phải công bố thị phần FE Credit sụt giảm chỉ còn 40% so với con số 50% liên tục duy trì những năm trước đó.

Thực trạng số lượng khách hàng tăng từng năm, số lượng khoản vay mới cũng tăng ồ ạt, nhưng lãi lại rơi tự do, đã cho thấy đơn vị này đã cấp tín dụng bất chấp chất lượng. Điều này đã tạo áp lực rất lớn lên VPB, đóng góp trọng số vào con số nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này. Tính đến năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của của VPB đã là 4,57%, với khả năng mất trắng số tiền 2.047 tỷ đồng. Đến 2022, số tiền có khả năng mất trắng tiếp tục tăng lên gấp 3 lần, cán mốc 7.160 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trong năm này cũng lên đến 5,73%.

Điều đáng lưu ý, giai đoạn trược dốc của FE Credit gắn liền với thực trạng dư luận xã hội phẫn nộ dữ dội trước hàng loạt nghi vấn hoạt động tín dụng thiếu minh bạch của đơn vị này và quá trình xiết chặt quản lý của các đơn vị, cơ quan hữu quan. Đồng thời, những hành vi mua bán nợ, thu hồi nợ kiểu xã hội đen bùng phát mạnh đã buộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cùng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) vào cuộc.

Phải chăng sự can thiệp này đã khiến FE Credit bộc lộ “bản chất” thực sự, hiệu quả thực sự trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả đồng vốn?

Và nghi vấn hoạt động tín dụng thiếu minh bạch

Thực tế, hoạt động của FE Credit đã không ngừng gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động cho vay và đòi nợ của đơn vị này đã dấy lên nhiều nghi vấn lừa đảo khi liên tục xảy ra các vụ việc đòi nợ người chưa hề vay vốn, cũng như sử dụng các biện pháp quấy rối người không liên quan, biện pháp “rắn” như xã hội đen để đòi nợ. Thậm chí đã xảy ra vụ việc khách hàng của FE Credit tự tử vì bị dồn đến đường cùng.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt vừa được bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc FE Credit.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt vừa được bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc FE Credit.

Và bằng chứng là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hàng trăm khiếu nại về hoạt động cho vay tiêu dùng và hành vi đòi nợ của đơn vị này. Trong Công văn số 286/CT-NTD gửi tới Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), đơn vị này nêu bật các hành vi của FE Credit như quy trình tư vấn, ký hợp đồng cho vay tiêu dùng có nhiều dấu hiệu không rõ ràng, đầy đủ.

Đơn cử, thông tin của người tiêu dùng được điền tự động. Song song, nhân viên tư vấn không thông báo nhưng đề nghị, ép buộc người tiêu dùng ký vào các tài liệu vay tiền. Bộ HĐ vay tiền cũng không có con dấu xác nhận, có dấu hiệu không đảm bảo giá trị pháp lý. Đơn vị này cũng không cung cấp HĐ để người vay lưu giữ. Đặc biệt, Fe Credit đã không cho phép khách hàng điều chỉnh thông tin khi phát hiện sai sót và hành vi đòi nợ có dấu hiệu quấy rối, đe dọa.

Đến ngày 29/6/2020, NHNN đã ban hành công văn số 4660/NHNN-TTGSNH và công văn số 4661/NHNN-TTGSNH yêu cầu VPBank, FE Credit, cùng Công ty Tài chính TNHH HD Saigon và Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam khẩn trương rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE Credit về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ, các thỏa thuận với các đối tác về thu hồi nợ, bán nợ để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Đồng thời, NHNN yêu cầu đơn vị này chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng, bao gồm xét duyệt, cấp tín dụng, cũng như việc theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ, thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE Credit với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật và quy định của nội bộ FE Credit.

Đến ngày 28/10/2020, VPB đã bán 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) của Nhật Bản, thu về 1,4 tỷ USD. Tên công ty này sau đó cũng được đổi thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Đến hiện tại, VPBank vẫn đang nắm giữ 50% cổ phần công ty này. Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của đơn vị này là 10.928 tỷ đồng.

Như vậy với những đóng góp quan trọng của FE Credit vào kết quả kinh doanh chung, liệu Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng có còn thịnh vượng?

Bài tiếp: Dòng chảy vốn lưu động VPBank đã chạm điểm “chết”? 

Đặng Thành