TTV- Chi phí trích lập dự phòng tăng nhưng độ phủ nợ xấu lại giảm, 526 tỷ đồng biến mất khỏi cơ cấu tài sản và 650 tỷ đồng nợ xấu được VietCredit “gửi tạm” sang…VAMC. Đồng thời, đơn vị này cũng đặt mục tiêu huy động vốn tối thiểu 50 triệu USD trong năm 2023.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, một lượng lớn tài sản tương ứng 526 tỷ đồng đã “bốc hơi” khỏi Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit). Đối chiếu các dữ liệu liên quan, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong kỳ không có nhiều biến động so với cùng kỳ khi chỉ giảm 3,7%, tức đạt 416 tỷ đồng.
Phần thu nhập dịch vụ so với thu nhập lãi thì không đáng kể nhưng cũng mang lại khoảng lợi nhuận “tinh thần” hơn 4 tỷ đồng. Một sự cải thiện vượt bậc so với con số tương tự nhưng lại là số âm của cùng kỳ, bởi chi phí hoạt động cùng kỳ cao gấp 2,4 lần so với hiện giờ.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng 27%, lên đến 238 tỷ đồng, đưa con số lũy kế lên 397 tỷ đồng. Từ đó, con số lãi sau thuế lui về dưới 0, cụ thể là lỗ gần 30 tỷ đồng, trong khi quý 2 năm trước còn duy trì có số dương gần 35 tỷ đồng.
“Do ảnh hưởng từ việc phân loại nợ kéo theo từ các TCTD khác sau khi cập nhật CIC. Mặc dù đa số khách hàng vẫn trả nợ cho Vietcredit nhưng công ty phải tuân thủ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định của NHNN”, bản giải trình của Vietcredit lý giải nguyên nhân con số lợi nhuận âm trong quý 2/2023.
Điều này đã góp phần đẩy dòng tiền của VietCredit vào thế khó bởi con số lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 177 tỷ đồng. Tuy nhiên, yếu tố trọng yếu dẫn đến sự suy yếu dòng tiền tại đơn vị này đến từ nguyên nhân giảm phát hành giấy tờ có giá và ghi nhận con số âm 1.642 tỷ đồng, đối chiếu cùng kỳ là dương 403 tỷ đồng.
Mặc dù tiền gửi và tiền vay đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 6/2021, lên đến 1.363 tỷ đồng, nhưng con số công nợ hoạt động vẫn âm đến 407 tỷ đồng. Những yếu tố này cho thấy, hoạt động tín dụng và sự đảm bảo thanh khoản tại VietCredit phụ thuộc rất lớn vào nguồn tiền huy động từ phát hành giấy tờ có giá.
Về đối tượng tín dụng, khách hàng của VietCredit 100% là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước với tổng dư nợ tín dụng là 4.062 tỷ đồng. Trong đó, phân loại dư nợ theo ngành nghề kinh doanh, thì đơn vị này phân bổ đến 91% cho các khách hàng hoạt động dịch vụ cá nhân và cộng đồng. Và một khoản tiền tăng đột biến so với đầu năm là 335 tỷ đồng phân bổ cho khách hàng hoạt động lĩnh vực tài chính, bảo hiểm.
Lãnh đạo VietCredit nhận định thị trường tại chính tiêu dùng tại Việt Nam hiện còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ trong các năm tới khi mới chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đến thị trường này và hành lang pháp lý, chính sách đã được NHNN ban hành tương đối đầy đủ đối với các TCTD phi ngân hàng. “Sản phẩm cho vay tiền mặt, cho vay mua ô tô sẽ là các sản phẩm tiềm năng trong giai đoạn tiếp theo khi nhìn trên thông tin và dữ liệu lịch sử tại các quốc gia trong khu vực.”, lãnh đạo VietCredit cho biết.
So với đầu năm, tổng 3 nhóm nợ 3, 4 và 5 đã vượt 56% và đưa tỉ lệ nhóm này so với tổng dư nợ lên đến 20%. Những con số trên đây chưa bao gồm số nợ xấu mà Vietcredit “gửi tạm” sang VAMC.
Tính đến 30/6/2023, VietCredit đã nâng tổng số nợ xấu tại đây lên đến 650 tỷ đồng, tức 126% so với số tài sản đã biến mất tại đơn vị này. Nếu tính gộp số nợ xấu tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu tại VietCredit lên đến 31%.
Tính đến cuối quý 2/2023, VietCredit đã sử dụng hơn 293 tỷ tiền trích lập dự phòng để sử lý rủi ro trong kỳ, đồng thời trích lập bổ sung thêm hơn 398 tỷ đồng, tăng số dư trích lập lên 385 tỷ đồng. Trong đó, số dự phòng cụ thể chiếm 92%. Như vậy, dù chưa tính đến số nợ xấu tại VAMC, nhưng độ phủ tại VietCredit chỉ vỏn vẹn 47%, tiếp tục giảm so với tỷ lệ 53% ghi nhận khi năm 2022 kết thúc.
Đối với năm 2023, ban lãnh đạo VietCredit đạt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 7122 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt 5.741 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng 5.689 tỷ đồng, hướng đến lãi trước thuế 107 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 10%.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối quý 2/2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Phương nắm giữ 4,43% cổ phần, tương tứng hơn 3,1 triệu cp. Bà Nguyễn Ái Linh, vợ ông Phương, sở hữu 480.000 cp, chiếm tỷ lệ 0,68%. Trong khi đó, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Hồ Minh Tâm chỉ có 577.000 cp, tương đương 0,82% cổ phần.
Nhưng vợ ông Tâm là bà Nguyễn Thị Thanh Hoa nắm giữ đến 2,45% cổ phần, tương ứng hơn 1,7 triệu cp. Thành viên HĐQT không điều hành Nguyễn Chí Hiếu đang có trong tay hơn 2,3 triệu cp, tương đương 3,31% cổ phẩn. Cổ đông lớn Tổng công ty Xi măng Việt Nam hiện sở hữu đến 14,31% cổ phần VietCredit, tức hơn 10 triệu cp.
Còn nữa…
Đặng Thành