Hàng loạt “khuất tất” tại Sacombank bị phanh phui

TTV- Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vấn đề sau khi kiểm tra một số hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Theo báo cáo của Sacombank, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu là 9.468 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 4,28%. Nếu tính nợ đã bán cho VAMC và chưa được xử lý thì tỷ lệ nợ xấu lên đến 19,71%. Tức thực chất, nợ xấu lên đến 51.945 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6/2018, con số nợ xấu công bố là 8.137 tỷ đồng, tương tứng tỷ lệ 3,3%. Trong đó, các khoản nợ xấu chưa đủ điều kiện bán nợ VAMC là 6.141 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 17,19%, tương ứng với giá trị 49.465 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, một số khoản nợ nhóm 1, nhóm 2 được cơ cấu gia hạn thời gian trả nợ, tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu là 1.819 tỷ đồng.

Sacombank đã cho 9 khách hàng vay để mua cùng một dự án, với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 9.262 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra tra hồ sơ cấp tín dụng của 16 khách hàng, tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2017 là 15.372 tỷ đồng, tại thời điểm 31/8/2018 là 15.218 tỷ đồng, phân loại nợ nhóm 1, chiếm 6,2% tổng dư nợ của ngân hàng. Kết quả cho thấy ngân hàng này đã có thiếu sót trong việc thẩm định điều kiện cho vay vốn theo Điều 7 Quy chế cho vay kèm theo Quyết định 1627 và Thông tư 39 của NHNN.

Cụ thể, phương án vay vốn không đảm bảo tính khả thi đối với các doanh nghiệp: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BĐS Office 85, Công ty CP Đầu tư Long Biên, Công ty CP Đồng Tâm. Khả năng tài chính để trả nợ chưa đảm bảo, bao gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH Vina Alliance, Công ty TNHH BĐS Trí Đức.

Đồng thời, Sacombank cũng đã cho một số đơn vị vay để thực hiện dự án nhưng dự án chậm tiến độ, làm phát sinh chi phí lãi vay lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh đã được ngân hàng phê duyệt và nguồn trả nợ theo phương án vay. Đó là các trường hợp đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH SXTM Soài Rạp, Công ty TNHH Vina Alliance và Công ty TNHH BĐS Trí Đức.

Chưa dừng lại ở đó, Sacombank cũng đã chưa thu thập đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đối Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BĐS Office 85, Công ty CP Đầu tư Long Biên và Công ty CP Đồng Tâm.

Đặc biệt, Sacombank đã thực hiện phân loại nợ không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 10 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-NHNN ngày 31/3/2014 của Thống đốc NHNN đối với dư nợ vay của Công ty TNHH SXTM Soài Rạp. Theo hợp đồng tín dụng, khách hàng phải trả lãi lần đầu vào ngày 4/8/2017. Nhưng thực tế, khách hàng trả lãi vào ngày 28/2/2018, tức chậm 6 tháng. Tuy nhiên, đến kỳ trả nợ lãi tháng 8/2018, khách hàng đã trả lãi đầu đủ, đúng theo hợp đồng tín dụng.

Kế tiếp, Sacombank cho Công ty TNHH BĐS Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp tại Công ty TNHH và thế chấp bằng chính phần vốn góp này trong thời hạn 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc “cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chỉ quy định điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của công ty cổ phần, chưa quy định đối với việc góp vốn, mua cổ phần tại công ty TNHH.

Nghiêm trọng hơn, Sacombank đã cho 9 khách hàng vay để mua cùng một dự án, với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 9.262 tỷ đồng, tức chiếm đến 48,52% vốn tự có của Sacombank. Các khách hàng này bao gồm: Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP ĐTXD Bảo Lộc, Công ty CP Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP TMXD Công Phúc, Công ty CP Hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty CP QLĐTXD Việt Hà và Công ty CP XDTMDVDL Hiệp Ân. Các đơn vị này vay vốn để chuyển đến bên thứ ba thực hiện thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án chứ không trực tiếp thực hiện dự án.

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở khách hàng vay vốn, không thẩm định đối với đơn vị thực hiện dự án. Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng do đến thời điểm thanh tra, dự án đang gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý đất đai trong thời gian dài. Theo đó, chi phí lãi vay tăng, ảnh hưởng hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh dự án đã được ngân hàng phê duyệt, ảnh hưởng chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh của Sacombank trong giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu.

Còn tiếp…

Đặng Thành