Đóng góp của doanh nghiệp nhà nước không nhiều như trước

Sự đóng góp không như trước của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào nền kinh tế không chỉ do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.

Nếu nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước được cộng hưởng, khu vực này sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế

Doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa “khỏe” lại

“Thời gian gần đây, doanh nghiệp nhà nước không đóng góp nhiều như trước”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nói như vậy tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển cuối tuần trước.

Ý này, ông Mãi đưa ra khi nói về khu vực doanh nghiệp nhà nước với kinh tế TP.HCM, với 47 doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước này là 105.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 75.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm là 31.500 tỷ đồng, tổng lợi nhuận là 4.855 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 6,49%…

Rõ ràng, chỉ cần đóng góp như trước, nguồn lực rất lớn đang nằm trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng sức bật cho TP.HCM sau giai đoạn dịch bệnh vô cùng khó khăn. Nhất là khi khu vực này vẫn luôn được chờ đợi, thậm chí là đặt trọng trách dẫn hướng, tạo xúc tác thông qua các dự án lớn để thúc đẩy sự gia tăng của khu vực doanh nghiệp tư nhân, gồm cả tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đáng nói, thực tế này không phải là vấn đề riêng của TP.HCM và cũng không phải là vấn đề mới được nhắc đến. Nguyên nhân có thể thấy rõ nhất từ tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, với những bất ổn địa – chính trị và những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Ước tính, tổng doanh thu của 847 doanh nghiệp có vốn nhà nước năm nay có thể đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch. Lãi phát sinh trước thuế năm nay của các doanh nghiệp nhà nước dự kiến tăng 9%, nộp ngân sách tăng 7% so với kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, so với năm 2022, doanh thu của khu vực này chỉ bằng 51%, lãi trước thuế giảm 47,3% và phần nộp ngân sách cũng giảm 32,9%… Đặc biệt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhắc lại số liệu doanh thu năm 2022 của khối này tăng 29%, lãi phát sinh trước thuế tăng 24% so với năm 2021.

Bức tranh kinh doanh năm nay của khu vực doanh nghiệp nhà nước dù có nỗ lực, đang khả quan so với kế hoạch, song những khó khăn tiềm ẩn rõ ràng còn rất lớn.

Nhu cầu được làm nhanh hơn vẫn khó

Sự đóng góp không như trước của khu vực doanh nghiệp nhà nước không chỉ do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.

Báo cáo với Thường trực Chính phủ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã phải nhắc tới viễn cảnh không mấy tích cực, trước mắt là khoảng 5 năm tiếp theo, khi việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy, dẫn tới không tạo ra được năng lực tăng thêm. Hiện tại, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP khoảng 29%.

Đây cũng là điều mà chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đau đáu. Phát biểu với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, số tiền đầu tư của EVN năm nay dù thuộc hàng lớn nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, với 55.000 tỷ đồng đầu tư thuần, hay tổng số 94.860 tỷ đồng gồm cả tiền trả nợ gốc và lãi vay, nhưng vẫn thấp so với nhiều năm trước. Chưa kể, tốc độ giải ngân 8 tháng đầu năm vẫn chậm, đang đặt áp lực vào quý IV/2023.

“Thủ tướng đặt ra là làm thế nào để khai thác nguồn lực đang nằm trong doanh nghiệp nhà nước, trong tập đoàn kinh tế, đưa sớm nguồn lực vào nền kinh tế. Chỉ có cách là tăng cường đầu tư. Nhưng khung thể chế đang là rào cản lớn để đưa các nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước vào đầu tư”, ông Đặng Hoàng An thẳng thắn.

Riêng trong lĩnh vực năng lượng, ông An cho rằng, quy trình, thủ tục cho đầu tư năng lượng đang được áp dụng theo Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), có quá nhiều bước, nên quá trình ra quyết định chậm.

“Mỗi tập đoàn kinh tế đều có 1 nghị định riêng của Chính phủ quy định Điều lệ và một nghị định riêng để quản lý tài chính, bên cạnh các luật khác, mà chúng ta vẫn lo quá, thì rất khó hoạt động. Hội đồng Thành viên các tập đoàn cũng cần được phân cấp nhiều hơn, để làm cơ sở phân cấp tiếp, thì mới nhanh được. Tất nhiên, phân cấp đến đâu, chịu trách nhiệm đến đấy”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN kiến nghị.

Tuy nhiên, ngay cả khi các khúc mắc này được giải tỏa, thì tiến độ nhiều công việc lại kéo lùi các nỗ lực. Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 còn rất chậm.

Đến nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng mới phê duyệt đề án cơ cấu lại của 4 doanh nghiệp trực thuộc, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Viettel cảm thấy rất lo lắng, dù Viettel là tập đoàn duy nhất được phê duyệt chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh. “Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của cả giai đoạn, vì không có chiến lược, thì doanh nghiệp không thể thực hiện đầu tư”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Thắng đang nhìn vào tổng tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

“Nếu có thể cộng hưởng nguồn lực này, các doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Như vừa qua, Viettel và EVN đã phối hợp để đưa nhanh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động”, ông Thắng đặt kỳ vọng.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế lắng nghe, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp nhà nước kịp thời hơn.

Theo baodautu