Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.
Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng doanh thu, lợi nhuận tăng lên, song hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.
Ít phụ thuộc nợ vay
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của 676 doanh nghiệp này cho thấy, tổng tài sản là 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu là 1.807.999 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là 1.712.644 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Tổng Doanh thu đạt 2.643.545 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế đạt 241.165 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân chung là 13% (năm 2021 là 11%); Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/Tổng tài sản bình quân chung là 6% (năm 2021 là 5%). Có 64/676 (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng. 144/676 (chiếm 21% tổng số DNNN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 1.981.967 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55% tổng số nợ phải trả của các DNNN.
Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các DNNN là 1,09 lần, cho thấy các DNNN ít phụ thuộc vào nợ vay để tài trợ cho hoạt động, bâo cáo nêu.
Các “ông lớn” đều vận hành khép kín
Đánh giá chung, Chinh phủ cho rằng, cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế. Quy mô tài sản bình quân của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 4.700 tỷ đồng/DN, lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 23%, tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
DNNN tiếp tục là đơn vị đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Thông qua hoạt động của mình, DNNN đóng góp lớn, tạo sức mạnh về kinh tế, tham gia trực tiếp các hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, phần hạn chế vẫn thể hiện một nhận định quen thuộc nhiều năm, đó là hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
“Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường…; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả”, báo cáo nêu.
Hạn chế tiếp theo được Chính phủ nhìn nhận là bên cạnh một số DNNN đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các quá trình hay chu trình sản xuất; hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo phương thức khép kín.
Các doanh nghiệp này thực hiện gần như toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ, chưa tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp khác tham gia.
Một hạn chế rất cũ khác cũng được nêu lại, đó là trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.
Trong số nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế, theo báo cáo, có nguyên nhân từ việc DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.
Trong khi đó lại chưa có các chế tài đủ mạnh để mang tính răn đe đối với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty và DNNN không hoàn thành/không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Báo cáo cũng đề cập nguyên nhân xuất phát từ quan điểm, nhận thức, đó là tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.
Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế…
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, Chính phủ đánh giá.
Theo Baodautu