Điều gì đang tạo ra những nghịch lý tại VPB?

TTV- Lãi ròng sụt giảm 81%, tỷ lệ nợ xấu vượt 6% và các khoản chi phí hoạt động tăng phi mã đã và đang đặt dấu hỏi lớn về chất lượng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB).

Quý I/2023, mặc dù thu nhập lãi vay và các khoản thu nhập tương tự tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 18.029 tỷ đồng, nhưng thu nhập lãi thuần của VPB lại giảm 4%. Lý giải cho điều này, các khoản chi phí lãi và chi phí tương tự trong kỳ đã tăng vọt 95%, từ 4.352 tỷ lên 8.495 tỷ.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ thuần 347 tỷ đồng, tăng đến 318% so với quý I/2022. Lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng chỉ còn hơn 30 tỷ, trượt dốc 82%.

Điều gì đã tạo ra những nghịch lý tại VPB?
Điều gì đã tạo ra những nghịch lý tại VPB?

Song song, thu nhập từ các hoạt động khác chỉ còn 2.336 tỷ, sụt giảm 69%, nhưng chi phí cho các hoạt động này lại tăng phi mã 194%, tức từ 326 tỷ tăng mạnh lên 958 tỷ. Do đó, lãi thuần của nhóm hoạt động này tụt dốc không phanh 81%, chỉ còn 1.377 tỷ đồng so với con số 7.110 tỷ đồng cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 55%, từ 4.132 tỷ đồng lên 6.386 tỷ đồng.

Đó là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng lãi ròng sụt giảm đến 81% so với cùng kỳ 2022, chỉ còn 1.650 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy rằng, các khoản cho vay và mua nợ tăng từ 19.160 tỷ đồng lên 25.103 tỷ đồng, tương ứng 31%. Trong khi đó, khoản giảm dự phòng để xử lý rủi ro, xử lý, bù đắp tổn thất các khoản cho vay khách hàng, chứng khoán và đầu tư dài hạn tăng gấp 2,6 lần, tương ứng từ 2.593 tỷ đồng vọt lên 6.736 tỷ đồng.

Mục tăng/giảm khác về tài sản hoạt động cũng chi nhận con số dương 3.237 tỷ đồng trong quý I/2022, nhưng cùng kỳ 2023 là con số âm 580 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản phát hành giấy tờ có giá ghi nhận con số 18.785 tỷ đồng, tăng phi mã so với con số âm 4.514 tỷ đồng. Đây là một trong những yếu tố chính giúp cho dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của VPB đạt 21.135 tỷ so với con số âm 7.230 tỷ đồng so với cùng kỳ, mặc dù tiền gửi khách hàng giảm 13%. Tuy nhiên, nếu dòng tiền thuần chưa tính những thay đổi về tài sản và nợ phải trả hoạt động thì đã sụt giảm 27% so với cùng kỳ.

Những nghịch lý đang diễn ra tại VPB có thể được lý giải phần nào thông qua chất lượng tín dụng tại đơn vị này. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng nợ cho vay đạt 463.469 tỷ đồng, chỉ tăng 6% so với con số cuối năm 2022.

Tuy nhiên, nợ dưới tiêu chuẩn đã được điều chỉnh tăng vọt 57%, tiến đến con số 12.483 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ điều chỉnh tăng 9%, lên 10.945 tỷ đồng. Và cùng với 5.511 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, thì tỷ lệ nợ xấu tại đơn vị này đã tiến đến 6,2% so với con số tỷ lệ 5,7% ở đầu năm.

Cơ cấu dư nợ cho vay theo thời gian thì nợ trung hạn và dài hạn chiếm đến 65% tổng nợ cho vay. Cơ cấu không có nhiều thay đổi so với cuối năm tài chính 2022. Trong khi đó, tính riêng tổng số tiền gửi của khách hàng tính đến cuối quý I/2023 là 331.184 tỷ đồng, thì số tiền gửi có kỳ hạn chiếm 86%.

Phó Tổng giám đốc VP Bank Lưu Thị Thảo từng bán “chui” cổ phiếu

Theo đó, trong thời gian từ ngày 7/2/2022 – 24/2/2022, bà Lưu Thị Thảo – Phó tổng giám đốc Ngân hàng VPBank – đã bán ra 25.000 cổ phiếu VPB (tính theo mệnh giá 250 triệu đồng) theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch này, bà Hảo còn nắm giữ 6.509.246 cổ phiếu VPB, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 0,145% xuống 0,144%.

Được biết, giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ 7-24/2/2022. Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu VPB dao động trong vùng 35.000-38.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo đó giao dịch bán cổ phiếu trên có giá trị gần 1 tỷ đồng.

Đáng nói, số lượng cổ phiếu mà vị Phó tổng Giám đốc VPBank đã bán ra thuộc trường hợp phải công bố thông tin trước và sau khi thực hiện giao dịch trên cổng thông tin HoSE và website VPBank. Tuy nhiên, bà Thảo chỉ công bố thông tin sau khi đã hoàn tất giao dịch bán nói trên.

Phó Tổng giám đốc VP Bank Lưu Thị Thảo từng bán “chui” cổ phiếu
Phó Tổng giám đốc VP Bank Lưu Thị Thảo từng bán “chui” cổ phiếu

Bà Lưu Thị Thảo là một trong những nhân tố mới đầu tiên gia nhập đội ngũ lãnh đạo của VPBank từ cuối năm 2011, và đã tham gia khởi xướng một chương trình chuyển đổi toàn diện cho VPBank.

Gia nhập ngân hàng trên cương vị là PTGĐ và CFO, bà Thảo là một lãnh đạo chuyển đổi, có tầm ảnh hưởng và đóng góp rất lớn trong những quyết định chiến lược cũng như triển khai chiến lược 5 năm 2012-2017 của VPBank. Bà đã ghi dấu ấn cá nhân trong hầu hết các cột mốc quan trọng, các thành quả chuyển đổi của ngân hàng.

Không chỉ bà Thảo bán cổ phiếu mà “quên” đăng ký, vào tháng 7/2021, Thanh tra UBCKNN đã ra quyết định xử phạt 940 triệu đồng đối với ông Trần Ngọc Bê – anh rể Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng – do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể, ông Bê mua 1.481.200 cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021, mua 1.880.700 cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Còn tiếp…

Đặng Thành