“Chết lâm sàng”, R&H Group vẫn được bố trí vay vốn khủng

TTV- Ồ ạt vay nợ trên nhiều kênh khác nhau, lãnh đạo R&H Group đã đẩy nợ vay ngân hàng tăng gấp 11 lần và các khoản nợ khác tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ, nhưng vẫn liên tục thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Thực trạng không thể nào tồi tệ hơn đã thể hiện rất rõ trên những con số mà Công ty CP Tập đoàn R&H (R&H Group) vừa công bố. Cụ thể, nợ vay ngân hàng tăng gần 11 lần lên hơn 434 tỷ đồng so với 2021. Song song, các khoản nợ khác cũng tăng phi mã gấp hơn 21 lần so với cùng kỳ lên đến 2.964 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu cũng đã leo dốc thần tốc lên 7.500 tỷ đồng, tức là gấp 4,98 lần so với vốn chủ sở hữu, tức tăng tăng 75% so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HĐQT TPS, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. Nhiều khoản vay lớn được TPS sắp xếp cho R&H Group bất chấp tình hình tài chính đơn vị này đang tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Hiện tại, ông Tú đang nắm giữ 3,71% cổ phần TPBank.

Tất cả đồng loạt tăng chóng mặt và đẩy tổng số nợ phải trả vượt 144% so với 2021, cán mốc 10.898 tỷ đồng, tức gấp 7,24 lần so với vốn chủ sở hữu.

Mặc dù lãnh đạo R&H Group vay nợ ồ ạt là vậy nhưng năng lực sử dụng vốn lại để lại nhiều nghi vấn lớn khi kết quả kinh doanh vẫn duy trì âm lũy kế hàng trăm tỷ đồng. Khi năm 2022 kết thúc, đơn vị này tiếp tục lỗ ròng 381 tỷ đồng. Và con số lỗ lũy kế được ghi nhận đến cùng thời điểm là 369 tỷ đồng. Do đó, số lãi “có cũng như không” vỏn vẹn 15 tỷ đồng đạt được trong năm 2021 chẳng khác nào như muối bỏ bể.

Và những kết quả này đã đẩy hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) giảm từ 4,975 lần trượt mạnh chỉ còn vỏn vẹn 0,618 lần. Song song, hệ số thanh toán nhanh (tài sản ngắn hạn – hàng tồn kho/nợ ngắn hạn) trượt từ 4,97 lần xuống còn 0,565 lần.

Như vậy, với thực trạng nói trên, liệu R&H Group có “đột tử” và để lại những thiệt hại không thể nào đo đếm được cho nhà đầu tư, các TCTD “nhẹ dạ”?

Theo thông tin từ HNX, từ 20/9/2021 đến 30/12/2021, đơn vị này đã huy động tổng cộng đến 8.150 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Cụ thể:

Lô trái phiếu RHGCH2122001 phát hành ngày 20/9/2021 có tổng giá trị 650 tỷ đồng.

Lô trái phiếu RHGCH2123002 phát hành ngày 14/10/2021 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.

Lô trái phiếu RHGCH2123003 phát hành ngày 25/10/2021 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.

Lô trái phiếu RHGCH2123004 phát hành ngày 3/11/2021 có tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Lô trái phiếu RHGCH2124005 phát hành ngày 6/12/2021 có tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.

Lô trái phiếu RHGCH2124007 phát hành ngày 30/12/2021 với giá trị 944 triệu đồng.

Lô trái phiếu RHGCH2124006 phát hành ngày 28/12/2021 với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.

Tất cả đều áp dụng lãi suất 11%/năm. Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi nợ trái phiếu trong năm 2022 cho thấy, R&H Group phải chi đến 807 tỷ đồng để trải lãi và gần 651 tỷ đồng trả nợ gốc. Chưa dừng lại ở đó, 2.500 tỷ nợ trái phiếu đã đến kỳ đáo hạn là một áp lực lớn đối với đơn vị này. Đặc biệt là giữa bối cảnh kinh doanh triền miên thua lỗ và liên tục huy động vốn khủng kéo dài như hiện tại.

Các đợt phát hành đều có sự hiện diện của Công ty CP Chứng Khoán Tiên Phong (TPS). Đơn vị này đóng vai trò quản lý chuyển nhượng/đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý đăng ký và thanh toán. Đồng thời là tổ chức tư vấn và là đại lý phát hành. Tính đến cuối quý 2/2023, TPS ghi nhận lỗ lũy kế đến 124 tỷ đồng.

Lo ngại hơn là trước đó, ngày 16/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-XPVPHC để xử phạt TPS vì hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nội dung xử phạt bao gồm hành vi quy phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn. Trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung Hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa TPS và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu. Bên canh đó, TPS đã cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Tổng số tiền xử phạt là 250 triệu đồng.

Còn nữa…

Đặng Thành