TTV – Ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch CTCP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đã giải trình việc bán “chui” hơn 2 triệu cổ phiếu LDG do sai sót của thư ký. Cùng với lý do này, ông Trịnh Văn Quyết trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) đã bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC làm nhà đầu tư tổn thất nặng nề.
Thư ký là nhân sự mới không nắm rõ luật?
Ngày 17/8, CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) có thông báo về việc ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT LDG đã có văn bản giải trình về giao dịch “bán chui” 2,6 triệu cổ phiếu LDG.
Cụ thể, ông Hưng cho biết ngày 15/8/2023, ông đã thực hiện giao dịch bán ra hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG nhưng do trong thời gian từ 8-15/8 đang trong chuyến công tác xa nên ông Hưng không thể trực tiếp thực hiện công bố thông tin và giao cho thư ký thực hiện công bố thông tin.
Tuy nhiên, do nhân sự mới chưa nắm rõ quy định nên dẫn dến sai sót, làm chậm trễ quá trình công bố thông tin. Ngay trong ngày 15/8, khi phát hiện sai sót, ông Hưng cho biết đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch.
Tại văn bản giải trình, ông Hưng cho rằng việc giao dịch cổ phiếu trên là của cá nhân ông, không phải giao dịch cổ phiếu do Công ty sở hữu và không liên quan đến quyền lợi của Công ty. Đồng thời, việc giao dịch cũng không liên quan đến quyền lợi giữa Công ty với đối tác và khách hàng.

Được biết, Ngày 15/8, ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG đã thực hiện giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG qua tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mà không công bố thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Số cổ phiếu này được ông Hưng bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh, chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường (giá trị gần 16,7 tỷ đồng).nhưng không đăng ký giao dịch trước đó. Toàn bộ số cổ phiếu trên đều được giao dịch thông qua khớp lệnh
Ngay trong ngày 15/8, khi phát hiện sai sót, ông Hưng cho biết đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch.
Trước đó, ngày 16/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra thông báo hủy bỏ giao dịch bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng. Nguyên nhân do Chủ tịch LDG đã không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Được biết, ông Nguyễn Khánh Hưng sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật đã đầu quân cho Tập đoàn Đất Xanh với cương vị Phó Tổng giám đốc. Sau đó, đến năm 2016, ông Hưng được bầu vào ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG đến nay. Hiện với vị trí Chủ tịch HĐQT LDG Group, ông Nguyễn Khánh Hưng nắm giữ 28,2 triệu cổ phiếu, tương đương 11,74% vốn điều lệ, tương ứng giá trị tài sản đạt 209,9 tỉ đồng.
Ngay sau khi thông tin Chủ tịch bán “chui” được công bố, chốt phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu LDG giảm hết biên độ cho phép với dư bán ở mức giá sàn hơn 25,5 triệu đơn vị, chưa tính lượng cổ phiếu đặt bán lệnh ATC. Gần 6,5 triệu cổ phiếu được khớp toàn bộ ở mức giá sàn, được thực hiện rải rác trong phiên.
Đến phiên 18/8, cổ phiếu LDG đã giảm sàn về mức 5.570 đồng/cổ phiếu, với 24,415,300 cổ phiếu dư bán sàn. Hiện cổ phiếu LDG thuộc diện đang bị kiểm soát. Trong phiên ngày hôm nay, có 1,488,300 cổ phiếu được khớp toàn bộ ở mức giá sàn, được thực hiện rải rác trong phiên.
Như vậy, mỗi ngày nếu chỉ tính số lượng cổ phiếu dư bán ở mức giá sàn, tổng trị giá đã lên tới gần 200 tỉ đồng. Các nhà đầu tư đang ráo riết tháo chạy khỏi LDG để tránh lặp lại “lịch sử” tổn thất từ cổ phiếu FLC trước đây.
Trên thị trường, cổ phiếu LDG đang ở diện kiểm soát từ ngày 12/5 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Nhà đầu tư lo sợ khi lãnh đạo bán “chui” cổ phiếu
Trong thời gian những năm gần đây, giới đầu tư rất bức xúc với những trường hợp bán chui trên thị trường chứng khoán. Hoạt động bán chui xảy ra trong những năm qua đều là từ những lãnh đạo cấp cao, dẫn đầu doanh nghiệp đã khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề, trong khi lãnh đạo một số doanh nghiệp vi phạm nhiều lần và có những giải trình không hợp lý.
Nhắc đến cổ phiếu bán “chui”, nhà đầu tư bị “ám ảnh” vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 với giá trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỉ đồng, chiếm 55,42% khối lượng khớp toàn thị trường, chiếm 10,54% tổng khối lượng lưu hành cổ phiếu FLC. Đáng chú ý, giao dịch này thực hiện trong bối cảnh FLC tăng phi mã hơn 50% từ mức 14.000 đồng/cp.
Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết có văn bản giải trình về việc bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC là do sơ suất của bộ phận thư ký.

Ngay sau thương vụ bán “chui”, cuối phiên giao dịch ngày 13/1/2022, giá cổ phiếu FLC sụt hơn 22%, từ 21.450 đồng/cp (ngày 10/1) xuống còn 17.300 đồng/cp. Đồng thời, nhà đầu tư liên tục bán tháo các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC của ông Trịnh Văn Quyết gồm FLC (CTCP FLC), GAB (CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản), ART (Công ty chứng khoán BOS), ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS). Trong thời gian này, nhiều nhà đầu tư phải “ôm hàng” chịu cảnh tổn thất nặng nề không thể thu hồi lại vốn.
Gần đây nhất là vụ lùm xùm về việc ông Phạm Khánh Phương (ca sỹ Khánh Phương) đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán do giao dịch “chui” cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC).
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 23/6-30/12/2022, ông Phạm Khánh Phương đã có nhiều giao dịch khiến tỷ lệ sở hữu tăng lên trên 25% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cá nhân này còn không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Sau khi mua vào lượng lớn cổ phiếu, ông Phạm Khánh Phương đã chính thức tham gia HĐQT của SJC từ cuối năm ngoái. Liên quan đến sự việc, ông Phương thừa nhận mình có lỗi nhưng cho biết không cố tình gian lận, mua bán chui cổ phiếu và cho biết đang tiến hành thủ tục giải trình với thanh tra UBCKNN để giảm số tiền phạt.
Hay gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch. Theo đó, Tập đoàn Hải Thạch bị phạt 1,83 tỷ đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính là giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin.
Theo công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Hải Thạch, tổ chức liên quan đến ông Võ Thụy Linh – Ủy viên Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV) được thực hiện giao dịch chuyển nhượng 12.200.000 cổ phiếu HHV từ ngày 15/11/2021 đến ngày 17/11/2021; tuy nhiên công ty đã thực hiện chuyển nhượng 12.200.000 cổ phiếu HHV vào ngày 12/11/2021.
Thời điểm Tập đoàn Hải Thạch bán “chui” HHV, cổ phiếu này đang giao dịch trên sàn UpCOM. Đến giữa tháng 1/2022, HHV đã chuyển niêm yết sang HoSE và hiện đang dừng ở mức 14,700 đồng/cp.
Một trường hợp khác cũng bị xử phạt nặng là vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX) ông Đỗ Quý Hải – bà Chu Thị Lương và em trai Đỗ Quý Đường đã bị phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX trong ngày 30/11/2022.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa bao giờ hết sôi động, hiện nay các cơ quan chức năng liên tục tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay nhiều lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp liên tục vi phạm pháp luật về công bố, giao dịch cổ phiếu. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, khiến nhiều nhà đầu tư “thua lỗ”, mất vốn, mất niềm tin vào thị trường, Đồng thời cũng khiến thị trường giao dịch không minh bạch, không đảm bảo an toàn lợi ích.
Theo khoản 1 Điều 22 Thông tư 96/2020/TT/BTC trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nôi bô của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quy đại chúng và người có liên quan phái công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dich, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết). Đồng thời, người nội bộ và người có liên quan phải thực hiện theo thời gian, khối lương, giá trị do Sở giao dịch chứng khoán đã công bố thông tin và chỉ được thực hiên giao dịch đầu tiên vào ngày giao dịch liền sau ngày có thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán.
Thanh Vũ