Tài sản khủng, nhưng lãi có mà cũng như…không

TTV- Tỷ suất lợi nhuận cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của Geleximco giảm hơn 7 lần so với 2021.

Vốn khủng, lãi mỏng như…sương

So với cùng kỳ, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Geleximco – Công ty CP (Geleximco) tăng 66 tỷ, lên 11.516 tỷ. Cuối năm 2022, tổng số nợ phải trả của Geleximco rơi vào 16.468 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sở hữu khối tài sản khổng lồ là vậy, nhưng con số lãi lại “rơi tự do”, chỉ còn hơn 66 tỷ đồng, so với con số 488 tỷ đồng của 2021, tức giảm đến hơn 7 lần. Do đó, tỷ suất lợi nhuận chỉ còn không đáng kể là 0,57%. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị này vô cùng thấp.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco. Đồng thời, ông Tiền hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ABBank

Hé mở một chút về lý do tại sao lợi nhuận teo tóp “có cũng như không” tại Geleximco, trong năm vừa qua, dòng tiền tương ứng lên đến 2.793 tỷ đồng đã chảy ra khỏi đơn vị này để thanh toán số nợ lãi và gốc trái phiếu đến hạn. Trong số này, tiền lãi chiếm đến 25%.

Trong những tháng cuối năm 2023, cụ thể, tháng 10/2023, lô trái phiếu GELEXIMCO.BOND.2020.2023 sẽ đáo hạn với giá trị lưu hành hơn 1.497 tỷ đồng, lô GLXCH2123001 đáo hạn có giá trị lưu hành 1.000 tỷ đồng. Và tháng 12/2023, lô trái phiếu GLXCH2123003 đáo hạn có giá trị lưu hành hơn 1.008 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 lô trái phiếu này là 3.505 tỷ đồng.

Như vậy, với tình hình kinh doanh hiện tại, một dấu hỏi đặt ra là, Geleximco sẽ phải xoay tiền từ đâu để trả cho khoảng nợ trái phiếu đáo hạn rất lớn này?

Được biết, tiền thân của Geleximco là Công ty TNHH XNK Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1993, với vốn điều lệ ban đầu 2,5 tỷ đồng. Đến năm 2001, vốn điều lệ tăng lên 50 tỷ đồng và bắt tay hợp tác với Tập đoàn Lilama đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên đến 350 triệu USD.

Bước sang 2004, vốn điều lệ của Geleximco tăng lên gấp 3 lần, tức 150 tỷ đồng. Ba năm sau, đơn vị này chính thức chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phẩn, đồng thời vốn điều lệ tăng 720%, lên đến 1.230 tỷ đồng, và chạm mốc 2.000 tỷ đồng vào năm 2010 và phóng vút lên 6.000 tỷ đồng chỉ 1 năm sau đó. Và trong năm 2019, vốn điều lệ Geleximco đã là 9.600 tỷ đồng.

Mối quan hệ “đặc biệt” với ABBank

Hiện tại, Geleximco được điều hành bởi ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đồng thời, ông Tiền hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Ngoài ra, ông Tiền còn nắm giữ các vị trí trọng yếu khác như Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản ABBank, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy An Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế Vigeba, Thành viên HĐTV Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam.

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, là em rể của ông Tiền
Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, là em rể của ông Tiền

Tính đến cuối năm 2022, ông Tiền sở hữu hơn 3 triệu cp ABB, chiếm 0,366% cổ phần ABBank. Vợ ông Tiền là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai sở hữu hơn 1 triệu cp ABB, chiếm 0,143% cổ phần ABBbank. Em trai ông Tiền là ông Vũ Văn Hậu nắm trong tay hơn 18 triệu cp ABB, tức tỷ lệ 1,958%. Ông Hậu hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Geleximco.

Đặc biệt, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, là em rể của ông Tiền, nắm giữ hơn 7,5 triệu cp ABB, tương ứng 0,801%.

Đối với Geleximco, đơn vị này nắm giữ đến hơn 120 triệu cp ABB, tức tỷ lệ lên đến 12,779% và ông Tiền là đại diện theo pháp luật. Song song, Công ty CP Chứng khoán An Bình do em gái ông Tiền là bà Vũ Thị Hương làm Chủ tịch HĐQT nắm giữ 0,57% cổ phần ABBank, tương ứng hơn 5 triệu cp ABB. Bà Hương cũng đồng thời là Trợ lý Chủ tịch HĐQT kiêm trợ lý Phó Chủ tịch HĐQT, Phó chủ nhiệm UBCĐ&NHS và là người phụ trách quản trị tại ABBank.

Còn tiếp…

Đặng Thành