Giá nguyên liệu đầu vào “chỉ tăng không giảm”, doanh nghiệp điêu đứng

Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B cho biết: “Nguyên liệu đầu vào chủ yếu của chúng tôi là bột sữa, cà phê và trà. Trong đó, bột sữa và cà phê là những nguyên liệu tăng giá mạnh nhất. Từ năm ngoái đến năm nay, sữa đã tăng giá 4-5 lần, mỗi lần khoảng 5-7% đến nay mức tăng đã là gần 50%. Nguyên liệu cà phê cũng ghi nhận mức tăng tương ứng. Ví dụ như cà phê arabica năm ngoái chúng tôi nhập với giá khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg thì nay giá khoảng 135.000 – 140.000 đồng/kg, nghĩa là tăng khoảng 100%, ngoài ra một số nguyên liệu cà phê khác như hàng robusta cũng tăng khoảng 50%”.

Doanh nghiệp này cố gắng làm cầm cự, duy trì mức giá sản phẩm đầu ra ổn định trong thời gia đầu nhưng qua nhiều đợt tăng giá nguyên liệu kèm theo xăng dầu leo cao khiến chi phí vận chuyển tăng, họ buộc phải tăng giá sản phẩm để tránh thua lỗ. Giá nguyên liệu tăng 5 lần, do vậy doanh nghiệp này đã tăng giá bán 2 lần, nhưng khách hàng không đồng ý. Khi giá xăng giảm, khách hàng thắc mắc vì sao xăng dầu giảm nhưng doanh nghiệp lại tăng giá. Việc tăng giá sản phẩm đã khiến doanh nghiệp mất khá nhiều khách hàng quan trọng.

Theo ông Mạnh, giá xăng trong nước tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp và chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng. Còn đối với doanh nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất. Khi mà giá nguyên liệu thế giới tăng thì giá sản phẩm tăng theo vì chi phí sản xuất sẽ đội lên.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu, Nam Định) cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi – nguyên liệu đầu vào chính của HTX này đã tăng khoảng 10-15%. Trước sức ép này HTX buộc phải tăng giá sản phẩm đầu ra khoảng 5-7% nhằm tránh bị lỗ nặng, chấp nhận giảm lợi nhuận để không mất khách hàng.

Tương tự, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho biết, để ép ra 1kg đường, phân bón chiếm 45%, nguyên liệu chiếm 38%, ngoài ra còn các chi phí về điện, nước, xăng dầu, logistics, nhân công… Tất cả các chi phí tăng cao đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải tăng giá đường.

Không chỉ giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí thuê mặt bằng và nhân công cũng tăng khiến các doanh nghiệp rơi vào tình thế “ngồi trên đống lửa”. Theo ông Lê Anh Dũng, Giám đốc bán hàng chuỗi café Highlands tại khu vực Hà Nội cho biết, Highlands hiện có 150 chuỗi cửa hàng rải đều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức thuê mặt bằng có giá dao động từ 20 – 100 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Giá thực phẩm tăng cao, giá thuê mặt bằng hiện không còn được giảm khiến chuỗi cửa hàng gặp nhiều khó khăn.

Giá nguyên liệu đầu vào, giá logistisc, xăng dầu, nhân công lao động, giá thuê mặt bằng kinh doanh,… đều đồng loạt tăng mà chưa có dấu hiệu giảm đã khiến cho các doanh nghiệp điêu đứng, ra sức bù lỗ và chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì.

Trong tình thế khó khăn này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, doanh nghiệp cần nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu thay thế ở trong nước để có thể chủ động sản xuất. Đặc biệt, cần tìm kiếm, sử dụng những nguyên liệu thay thế rẻ hơn để tiết giảm chi phí. Song song với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Thêm nữa, cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.

Vân Anh