Dự án Trung tâm Logistics quốc tế Tây Nguyên tại 2 xã Đak Ta Ley và Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư 2022-2025 (đợt 2)
Từng có thời gian Gia Lai kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy chế biến sâu mủ cao su để tăng giá trị sản phẩm, hạn chế xuất thô nhưng hầu như không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư vì giao thông không thuận lợi, khoảng cách từ các nhà máy chế biến (nếu được xây dựng) đến các cảng cũng như từ nơi bán các loại phụ gia chế biến đến nhà máy quá xa, chi phí vận chuyển tăng lên quá cao, không phù hợp để đầu tư. Để khắc phục những hạn chế này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, việc hình thành các trung tâm logistics là vô cùng cần thiết.
Nhu cầu về Logistics để phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa tại Gia Lai là rất lớn, bởi tỉnh hiện có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thường xuyên. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có doanh nghiệp đủ các điều kiện hoạt động Logistics đáp ứng các nhu cầu của thị trường về quy mô vận chuyển, kho bãi…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Điểm – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ – cho biết: “Chúng tôi nhập khẩu nông sản từ Campuchia về, nhưng có thời điểm hàng hóa nhiều, qua cửa khẩu muộn, không vận chuyển kịp buộc phải lưu lại. Một số mặt hàng nông sản như hạt điều, mì rất dễ hư hỏng, để lâu mà không bảo quản tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Tôi cho rằng cần có những kho bãi đạt chất lượng để bảo quản nông sản khi chưa kịp vận chuyển”.
Xuất phát từ thực tế đó, trong Danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2022-2025 (đợt 2), Gia Lai chú trọng kêu gọi các dự án đầu tư lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên tại 2 xã Đak Ta Ley và Đak Jơ Ta. Giai đoạn 1 của dự án triển khai trên diện tích 266 ha, giai đoạn 2 là 245 ha. Đây chính là “chìa khóa” thúc đẩy các địa phương kết nối để phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – cho hay: “Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ… để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Gia Lai”.
Điều này cũng phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2030. Theo quy hoạch, trong tầm nhìn đến 2030, khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Trong dự thảo định hướng sắp xếp phân bổ không gian vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất phát triển Tây Nguyên trở thành vùng dẫn đầu của cả nước về chuyển đổi kinh tế – xã hội theo hướng sinh thái, phát triển không gian kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế trong nước và khu vực.
Thế Hữu