Tăng chi phí định mức trong giá cơ sở sẽ chặn được ‘cơn khát’ xăng dầu?

Thiếu xăng dầu ở nhiều cửa hàng phía Nam được lý giải một phần là do thời tiết, triệt phá các đường dây buôn lậu… Nhưng vì sao tình trạng này đã lan tới các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt ở TP. Hà Nội khi trước kỳ điều hành ngày 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu đã treo biển hết hàng? Doanh nghiệp cho rằng Bộ Tài chính cần điều chỉnh và phản ánh kịp thời mức tăng chi phí định mức vào giá cơ sở xăng dầu.

Xác nhận tình trạng không nhập được hàng đã diễn ra mấy ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Tiu – Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự lực 1 (TP. Hà Nội) cho hay, đơn vị phân phối không thể mua được hàng nên buộc phải bán cầm chừng, có thời điểm chỉ bán xăng, có thời điểm chỉ bán dầu. Doanh nghiệp đi mua không được, không có bất kỳ đầu mối nào bán. Nói chung là không có đủ xăng dầu để bán.

Đầu mối có lãi thì mới tăng được chiết khấu

Là đơn vị phân phối, ông Tiu nhận định kỳ điều chỉnh giá này khó khăn hơn các kỳ trước rất nhiều. “Chúng tôi vẫn đang trông chờ vào cách thức điều hành giá của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, bởi mấu chốt hiện nay đang nằm ở đó. Nếu không tăng các chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu thì tình trạng khan hàng, thiếu hàng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn”, ông Tiu nói.

-8277-1667294764.jpg

Thời gian qua, biển hiệu ‘hết xăng’ là nỗi ám ảnh của nhiều người tiêu dùng. 

Theo lãnh đạo Xăng dầu Tự Lực 1, doanh nghiệp đầu mối có lãi thì mới nhập hàng về, bán ra và điều chỉnh chiết khấu lên cao: “Nói thẳng ra thì bản thân người ta có lãi thì họ mới chia sẻ được với các đơn vị bán lẻ. Nếu đầu mối không có lãi, họ sẽ chỉ nhập cầm chừng vừa số hàng phục vụ trong hệ thống, không có dư dả để bán cho các thương nhân, đại lý bán lẻ khác”.

Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu hiện được tính dựa trên giá cơ sở – mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu. Vì thế, Petrolimex mới đây đã có văn bản kiến nghị tới Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đề nghị điều chỉnh loại chi phí này. Tính toán của Petrolimex cho thấy, premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu thực tế) đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở.

Đơn cử, với xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92), chênh lệch giữa thực tế với mức tính trong giá cơ sở là 622 đồng/lít, RON95 là 551 đồng/lít, dầu diesel 437 đồng/lít, dầu hỏa 681 đồng/lít và dầu mazut 279 đồng/kg. Tương tự, cũng đang có chênh lệch giữa premium trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước) và mức tính trong giá cơ sở từ 70-120 đồng/lít.

Chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đã được điều chỉnh từ 11/10, nhưng hiện cũng thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả 40-60 đồng/lít…

Theo đó, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành gần nhất. Việc này để đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xã hội.

Cần tính đủ, tính đúng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Và trong cơ chế thị trường thì không ai ngoài quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận quyết định được hành động của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi”, ông Diên nói.

Liên quan tới vấn đề trên, tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, từ đầu năm đến nay đã 2 lần tăng các chi phí kinh doanh xăng dầu (ngày 10/1 và 7/10). Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý” gồm quyết định về giá và chi phí định mức, nhằm đảm bảo nguồn cung chủ động.

Ông Giang Chấn Tây, Công ty TNHH Bội Ngọc, đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh, đồng thuận quan điểm nên đưa về cho Bộ Công Thương quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu, từ việc tính giá bán lẻ giá bình quân chung đến quyết định lượng hàng nhập để tiêu dùng trong nước cũng như dự trữ quốc gia.

“Việc đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ giúp không chồng chéo quản lý. Tuy nhiên, mọi việc cần làm nhanh để tránh độ trễ chính sách, bởi sửa đổi Nghị định 95 cần khá nhiều thời gian. Trong lúc chờ vẫn phải thực hiện chính sách hiện hành”, ông Tây chia sẻ.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chỉ ra thách thức lớn nhất khi quản lý là xử lý được vấn đề khan hiếm cục bộ xăng dầu hiện nay hay không. Bản chất vẫn là do giá tính đúng, tính đủ, nếu lắng nghe doanh nghiệp, có chính sách phù hợp, chắc chắc thị trường sẽ vận động đúng theo quy luật của nó.

Một chuyên gia bình luận, thời gian qua, việc điều chỉnh các chi phí trong công thức tính giá cơ sở đã được thực hiện. Tuy nhiên, với diễn biến bất thường của thị trường từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh như vậy là chậm, khiến doanh nghiệp không được tính đủ chi phí, bị thua lỗ. Đây là vấn đề cần phải nhanh chóng điều chỉnh, để chấm dứt tình trạng cây xăng hết hàng.

Nhật Linh