Phê duyệt giá mua điện tạm thời đối với 15 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

TTV- Bộ Công thương đã phê duyệt giá mua điện tạm thời đối với 15 nhà máy, dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp…sau quá trình đàm phán giữa các chủ đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Sau những nỗ lực tìm phương án giải quyết khó khăn cho vấn đề “Đảm bảo và cung ứng điện đầy đủ cho hoạt động sản xuất, dân sinh,…” trong đợt nắng nóng cao điểm mùa khô kéo dài năm nay.

Việc phê duyệt giá mua điện đối với 15 nhà máy dự án điện tái tạo,… là một phương án tốt hội tụ đủ các điều kiện ” Vừa giải quyết được khó khăn của ngành điện về sản lượng, góp phần giảm căng thẳng cung ứng điện, Vừa tránh lãng phí nguồn lực xã hội và tài nguyên thiên nhiên…theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Công thương, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, “Giá tạm tính của các nhà máy,  dự án được áp dụng cho tới khi EVN và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức”. Hiện tại 15 nhà máy, dự án này đang hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để phát điện lên lưới.

Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An là 02 dự án điện gió đã đàm phán được giá bán điện cho EVN trước đó (Ảnh EVN)

Giá tạm tính sẽ được tính bằng 50% theo khung giá điện của Bộ Công Thương thể hiện tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2023.

Cụ thể, giá mua điện áp dụng cho các nhà máy, dự án Điện mặt trời, Điện gió chuyển tiếp với giá trần như sau: đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh. Vậy giá tạm tính của các nhà máy, dự án trên khoảng 554 – 908 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).

Cũng theo ông Hoà, tính đến ngày 19/5/2023, trong số 37 hồ sơ đàm phán chủ đầu tư đã gửi EVN, có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.200 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời (trong đó có 03 nhà máy điện mặt trời, 07 nhà máy điện gió trên đất liền và 05 nhà máy điện gió trên biển).

Bên cạnh đó, 06 nhà máy đã được Chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương trong tuần tới.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các chủ đầu tư khẩn trương ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp theo phương án giá điện tạm thời, hoàn thành các thủ tục pháp lý, yêu cầu kỹ thuật để đưa các nhà máy hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó khăn.

Để có thể huy động các nhà máy điện nói chung và các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nói riêng đi vào vận hành thông suốt và phát điện lên lưới quốc gia, các nhà máy, dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

  • Cũng theo EVN, hiện nay cả nước có 85 dự án, nhà máy, phần nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, có 77 nhà máy với tổng công suất 4.185,4 MW và 8 nhà máy điện điện mặt trời tổng công suất 506,66 MW.
  • Tuy nhiên, hiện vẫn còn 48/85 nhà máy điện chuyển tiếp Chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ đàm phán đến EVN, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3, nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.

Công Phong (t/h)