Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPSCTT&TKCN), từ đêm 28-29/9, các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa lớn từ 150-300mm, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại Nghệ An đã có 3 người chết, mất tích do đi qua ngầm tràn và đánh bắt cá ở khu vực nước ngập sâu.
Dự báo, trong ngày 29-30/9, tiếp tục có mưa lớn tại các tỉnh, lũ thượng lưu sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3, các sông khác ở Thanh Hóa, Nghệ An lên BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các cơ quan có liên quan và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sơ tán người dân khỏi vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai số người bị thương trong mưa bão số 4 (Noru) đã tăng lên 60 người. Trong đó, Quảng Nam 41 người, Quảng Trị có 11 người; Huế 8 người. Có 95 nhà sập và 3.264 nhà bị hư hại, tốc mái, 1.415 nhà bị ngập.
Nghệ An mưa lớn kéo dài nhiều huyện thị bị chia cắt, 2 người chết, 1 người mất tích
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính từ ngày 28/9 đến 13h ngày 29/9 trên địa bàn Nghệ An đã có 2 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ. Hơn 7.000 ngôi nhà bị ngập, 13 ngôi nhà bị tốc mái, 25 ngôi nhà bị sạt lở; gần 600 ha lúa bị thiệt hại; hơn 17.000 con gia cầm bị chết. Có 35 điểm sạt lở, ngập lụt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Nghệ An có mưa to, có nơi mưa đặc biệt to lượng mưa tính từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 có nơi trên 170 mm như Thanh Hương (Thanh Chương) 251.2 mm, Đà Sơn (Đô Lương) 218.6 mm, Nghi Hải (Cửa Lò) 186.8 mm…Tại huyện Quỳnh Lưu đón nhận lượng mưa kỷ lục từ 100-250mm, có nơi lên đến 300mm. UBND huyện Quỳnh Lưu thông tin, hiện trên địa bàn mưa lớn diễn ra từ hôm qua đến nay, dẫn đến ngập cục bộ ở một số xã như, Quỳnh Tam, thị trấn Giát, Quỳnh Hồng, Quỳnh Giang, Quỳnh Mỹ…
Đặc biệt, trong đêm 28/9, bờ đê đập Hóc Cối tại địa bàn xóm 4 (xã Quỳnh Tam) đứng trước nguy cơ bị vỡ, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã huy động máy móc, hàng trăm người dân tập trung gia cố gần 1.000 bao tải cát và đóng cọc ngay trong đêm, gia cố tạm thời để đảm bảo an toàn cho bờ đê. Địa phương đã di dời hơn 100 hộ dân vùng hạ du ngay trong đêm.
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải Nghệ An, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 đến 9h ngày 29/9, trên các tuyến Quốc lộ, Đường tỉnh do Sở này quản lý, hiện còn 18 vị trí đang đóng đường (Trong đó Quốc lộ có 11 vị trí; đường tỉnh có 7 vị trí).
Các vị trí ngập lụt được đơn vị quản lý phối hợp các lực lượng chính quyền địa phương bố trí rào chắn, biển báo, tổ chức trực gác 24/24h để đóng đường, cấm người, phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn.

Sáng 29/9, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, đã có 13/21 huyện, thị có học sinh nghỉ học gồm Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Con Cuông, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương. Trên toàn tỉnh, có hơn 300 trường nghỉ tổ chức dạy học để đảm bảo an toàn do ảnh hưởng của bão số 4, mưa to trên diện rộng.
Sáng nay, tại phiên họp thường kỳ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND – Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương tập trung rà soát các điểm sạt lở, ngập lụt nặng để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tối đa tính mạng, tài sản cho người dân.
Hà Tĩnh hàng nghìn hộ dân nhiều huyện bị cô lập, quốc lộ 8A sạt lở nghiêm trọng
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh trong vòng 12 giờ tới, lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng đạt đỉnh. Hiện nay mưa lũ đã gây cô lập, chia cắt trên 1.000 hộ dân và sạt lở nhiều tuyến giao thông huyết mạch.

Mưa lũ, nước các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục dâng cao đã gây cô lập, chia cắt hơn 1.000 hộ dân tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Trong đó, riêng tại xã Sơn Giang (Hương Sơn) có 123 hộ dân bị nước lũ cô lập, còn tại huyện Hương Khê có 910 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.
Mực nước đo được tại trạm thủy văn Chu Lễ, sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê) là 12,52m, trên mức báo động 2 là 0,02m; tại trạm Hòa Duyệt, sông Ngàn Sâu (huyện Vũ Quang) là 7,29m dưới mức báo động 1 là 0,24m, tại trạm Sơn Diệm, sông Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) là 12,19m, trên mức báo động 2 là 0,69m…
Mưa lớn cũng khiến quốc lộ 8 – tuyến đường độc đạo lên xuống Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị sạt lở nhiều điểm với hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống chắn ngang đường khiến giao thông bị ách tắc.
Trao đổi với ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ 2 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết do ảnh hưởng của bão Noru, Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn, khiến nhiều điểm trên quốc lộ 8A bị sạt lở nghiêm trọng. Có 4 vị trí sạt lở taluy dương gây ách tắc giao thông từ 19h ngày 28/9, trong đó điểm sạt lở tại Km 82+300 lớn nhất với khoảng 1.000 m3 đất đá. Tổng khối lượng đất đá sạt lở ước tính tại 4 vị trí là 2.700 m3.

Hiện, đơn vị đã cho máy móc xử lý khối lượng đất đá sạt lở xuống đường, phối hợp với bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng phân luồng từ cửa khẩu Cầu Treo.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, tránh bị động trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của người dân.
Đồng thời, không để cho người dân qua lại tại các tuyến đường giao thông bị ngập, vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; ngăn chặn tình trạng người dân đánh bắt cá, vớt củi tại các khu vực ngập sâu; khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục các điểm bị sạt lở…
Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu:
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam những nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán người dân khỏi vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền để người dân không đánh bắt cá, vớt gỗ và các hoạt động ở các khu vực nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều. Vận hành công trình tiêu úng, bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp và các khu vực đô thị, vùng trũng thấp.
Chỉ đạo cơ quan truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.
Hồng La (TH)