Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 7 tại Singapore

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam mong muốn tiếp tục tham gia tích cực, thực chất, hiệu quả vào quá trình thúc đẩy nỗ lực trong ASEAN nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng.

Sáng 20/10, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 7 (AMCC) dưới sự chủ trì của bà Josephine Teo, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin và Bộ trưởng phụ trách Quốc gia thông minh và An ninh mạng nước Cộng hòa Singapore cùng với sự tham dự của các đại biểu từ tất cả Quốc gia Thành viên ASEAN (AMS) cùng với Tổng Thư ký ASEAN.

 

Phát biểu tại Hội nghị AMCC với chủ đề “Thúc đẩy nỗ lực trong khu vực nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng”, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến đầu năm 2022, thế giới có gần 5 tỷ người sử dụng Internet (chiếm khoảng 63% dân số thế giới) với 28,5 tỷ thiết bị kết nối Internet. Tại khu vực, nền kinh tế Internet của ASEAN trên đà phát triển mạnh mẽ, dự báo đạt 360 tỷ USD vào năm 2025.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị

Ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số cũng đang diễn ra nhanh chóng, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm hơn 72% dân số), cao hơn so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á – Thái Bình Dương (44,5%); trong đó có khoảng 92 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Số lượng thuê bao di động được đăng ký tại Việt Nam lên đến 154,4 triệu; xếp hạng thứ 25 về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế ITU công bố.

Theo thống kê của Kaspersky (Nga) năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và dịch vụ thiết yếu diễn biến phức tạp. Nguy cơ bị tấn công mạng leo thang diện rộng, gây nguy cơ làm đình trệ hoạt động điều hành của Chính phủ, phá hoại hệ thống thông tin trong những lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, tài chính, hàng không… làm đứt gãy chuỗi cung ứng đa quốc gia là hiện hữu.

Bên cạnh đó, cùng với sự dịch chuyển các hoạt động của cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp lên không gian mạng, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô, số vụ và gây hậu quả nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, như: tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, tài chính, ngân hàng; tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng; tội phạm mua bán, phát tán thông tin người dùng, dữ liệu cá nhân…

Việc duy trì tổ chức thường niên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng của Singapore đã tạo ra diễn đàn quan trọng, kết nối các nước ASEAN cùng chia sẻ quan điểm và tiếng nói chung nhằm thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, các hoạt động hợp tác thiết thực góp phần nâng cao năng lực phòng thủ mạng, xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng an toàn, bền vững.

Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu tham dự hội nghị.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam mong muốn tiếp tục tham gia tích cực, thực chất, hiệu quả vào quá trình thúc đẩy nỗ lực trong ASEAN nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng.

Trong Hội nghị lần này, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất một số phương hướng hợp tác an ninh mạng trong ASEAN như sau:

Thúc đẩy thống nhất về nhận thức và hành động trong ASEAN đối với vấn đề an ninh mạng, chia sẻ quan điểm, tiếng nói chung tại các diễn đàn của Liên hợp quốc về an ninh mạng, đặc biệt là chương trình của Nhóm làm việc mở về An ninh mạng và Công nghệ thông tin (OEWG);

Tiến hành khảo sát các lĩnh vực ưu tiên chung trong ASEAN để xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao năng lực thuộc Trung tâm Nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN – Nhật Bản tại Thái Lan và Trung tâm An ninh mạng ASEAN – Singapore tại Singapore theo hướng trọng tâm, chuyên sâu;

Phối hợp tổ chức diễn đàn pháp luật về an ninh mạng trong ASEAN để tăng cường trao đổi quan điểm đối với việc áp dụng luật pháp quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, thực hiện nguyên tắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về an ninh mạng;

Phối hợp triển khai các chương trình nâng cao nhận thức ăn ninh mạng và kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn cho người sử dụng Internet trong ASEAN;

Nghiên cứu, mở rộng hợp tác, phối hợp giữa các nước ASEAN với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng của công nghệ thông tin, các hãng nghiên cứu và sản xuất các giải pháp an ninh mạng… nhằm huy động tiềm lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tấn công mạng, khủng bố mạng.

Vân Anh