Mặc dù được đầu tư hơn 12,5 tỷ đồng, nhưng công trình nước sạch ở xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch hà, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi “đắp chiếu”. Suốt nhiều tháng nay, hơn 600 hộ dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh “khát” nước sạch.
Đầu tư hơn 12,5 tỷ rồi “đắp chiếu”
Đầu năm 2021 xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư nhà máy nước sạch với tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và do người dân đóng góp. Công trình do UBND xã Đỉnh Bàn làm chủ đầu tư, được xây dựng trên núi Nam Giới. Theo dự án, khi hoàn thành nhà máy sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 600 hộ dân ở các thôn Tân Phong, Thanh Long, Bình Sơn và Vĩnh Sơn của xã Đỉnh Bàn. Kỳ vọng là vậy, thế nhưng sau khi hoàn thành nhà máy chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi lại “đắp chiếu” do thiếu nguồn nước thô.
Có mặt tại nhà máy nước sạch nằm dưới chân núi Nam Giới, đập vào mắt chúng tôi là không khí vắng lặng im lìm khác thường của một nhà máy. Hầu hết các phòng đều khóa cửa im lìm, không một bóng người, không một máy móc nào vận hành. Không ai dám nghĩ đây là một công trình được đầu tư hơn 12,5 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Sâm (56 tuổi, ngụ thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn) bức xúc: “Giữa năm 2022 nhà máy nước hoàn thành đưa vào sử dụng, thời gian đầu nước được cung cấp đều, chúng tôi vui mừng vì được sử dụng nguồn nước sạch, thoát khỏi cảnh phải dùng giếng đào, giếng khoan bị nhiễm phèn bấy lâu nay. Thế nhưng, chưa kịp vui lâu thì từ tháng 3 năm 2023 đến nay không có một giọt nước sạch nào”.

Chỉ tay vào những thùng nước vừa đi mua từ nơi khác về, bà Lê Thị Nghĩa (70 tuổi, trú tại thôn Tân Phong) than thở: “Muốn nước sạch, đó là niềm mong mỏi của không những riêng tôi mà còn là nguyện vọng của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Khi nghe thông tin được cấp trên đầu tư xây dựng nhà máy nước, chúng tôi vui mừng lắm. Thế nhưng, từ tháng 3 đến nay không một giọt nước sạch, chúng tôi phải đi mua nước sạch nơi khác về dùng, vừa tốn kém lại bất tiện”.
Không chỉ gia đình bà Nghĩa mà hầu hết các hộ dân ở thôn Tân Phong và hàng trăm hộ dân ở các thôn khác quanh khu vực nhà máy nước xã Đỉnh Bàn cũng đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.
“Gia đình tôi con còn nhỏ, từ tháng 3 đến nay ngày nào tôi cũng phải đi mua từ 1 – 2 bình nước lọc loại 20 lít của một cơ sở kinh doanh trong xã về để ăn uống. Ngoài ra, tôi còn phải mua máy về lọc tại nhà, tuy nhiên do nước phèn nặng nên thường xuyên thay lõi lọc, rất tốn kém. Giờ chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương sớm khắc phục tìm ra nguồn nước chứ thế này tốn kém lắm”, chị Phan Thị Huệ (34 tuổi, ngụ thôn Thanh Long) bày tỏ.
Loay hoay tìm phương án
Đỉnh Bàn là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Gần 13 năm nhường đất cho dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) là chừng ấy năm người dân 5 xã ảnh hưởng phải sống trong cảnh “đi không được ở cũng không xong”.
Từ khi nhường đất cho dự án, hàng ngàn hộ dân phải sống trong cảnh thiếu việc làm, tha hương làm phụ hồ, hàn xì, giúp việc… tuy nhiên, cuộc sống của họ cũng chẳng khá hơn bởi nguồn thu nhập bấp bênh. Đặc biệt, từ khi dự án triển khai mạch nước ngầm bị ô nhiễm, người dân xã Đỉnh Bàn nói riêng và người dân vùng mỏ nói chung phải vật lộn với cảnh thiếu nước.
Đỉnh Bàn là một trong những địa phương được đầu tư nhà máy nước sạch để phục vụ nhu cầu của người dân, thế nhưng trái lại với kỳ vọng lại là nỗi niềm thất vọng, người dân vẫn “khát nước” bên nhà máy tiền tỷ.

Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Công Tùng – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết: “Nhà may nước được xây dựng nằm trên núi Nam Giới, nguồn nước thô đầu vào đang phụ thuộc hoàn toàn vào khe suối ở đây. trước đây khi chọn vị trí xây dựng nhà máy ở núi Nam Giới đơn vị thi công tư vấn cũng đã cảnh báo thời điểm thiếu nước trong năm tuy nhiên, do chưa tìm ra được vị trí phù hợp nên đành chấp nhận đặt nhà máy tại đây. Vào mùa hè ít mưa thì các khe suối sẽ khô cạn, hoạt động của nhà máy nước do vậy cũng bị gián đoạn theo”.
Theo ông Tùng, mới đây Phòng NN-PTNT huyện cũng đã về khảo sát để tìm phương án cung cấp nước tạm thời cho người dân trong mấy tháng mùa khô nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Vừa qua, chính quyền xã cũng đã có văn bản trình UBND huyện Thạch Hà xin chủ trương bố trí kinh phí để xã thực hiện việc khoan thăm dò tìm nguồn nước thô thay thế cho nhà máy nước. Tuy nhiên, để xin cấp phép khoan địa chất thì phải làm rất nhiều thủ tục nên sẽ mất nhiều thời gian mới có thể triển khai. Mặt khác, Đỉnh Bàn là xã chịu ảnh hưởng từ dự án mỏ sắt Thạch Khê, nguồn nước ngầm bị tụt, nhiễm bẩn nên việc khoan giếng hiện gặp nhiều khó khăn, bất lợi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đức Quy – Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cho biết: “Nhà máy nước Đỉnh Bàn do xã chủ đầu tư, BQL dự án được ủy thác tư vấn, quản lý giám sát thi công. Trong quá trình khảo sát chúng tôi cũng đã có những cảnh báo về các tháng kiệt nước vì nhà máy hoạt động dựa vào cơ chế vận hành tự chảy. Hiện nhà máy chỉ có bể chứa 400m3, theo tính toán thì lượng nước chỉ đủ phục vụ cho hơn 600 hộ dân. Tuy nhiên năm nay nắng nhiều, mưa ít nên lượng nước ngầm từ khe chảy ra gần như không có, dẫn đến tình trạng không có nguồn nước thô xử lý để cung cấp nước sạch cho người dân. Hiện vẫn chưa có phương án khắc phục, chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân nên trữ nước để tránh trường hợp hết nước”.
Quỳnh Chi