Giấc mơ lúa nước của người Chứt ở bản Lòm

Từ đời ông, đời cha của người Chứt ở bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã trồng sắn, trỉa ngô và trồng lúa nước trên rẫy, đến đời con cháu cũng chỉ trồng lúa, trỉa ngô ở lưng chừng đồi vì vậy quanh năm cái đói, cái nghèo mãi đeo bám. Ruộng lúa nước đối với bà con nơi đây chỉ là “giấc mơ” dài dằng dặc.

Nhọc nhằn cõng lúa lên non

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi có chuyến công tác ngược ngàn lên xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), vượt đường đèo lên biên giới Việt Nam – Lào hết gần nửa ngày mới đến được xã Trọng Hoá. Vùng núi có địa danh Lòm nằm tách biệt dưới chân dãy núi Giang Màn xa thẳm. Từ Quốc lộ 12A, rẽ vào con đường độc đạo ngoằn nghèo, đèo dốc vào bản Lòm cứ dài dằng dặc như “giấc mơ” lúa nước của người Chứt nơi đây.

Bản Lòm là bản cuối cùng của người Chứt ở xã Trọng Hóa. Vắt ngang qua đỉnh Giăng Màn, con đường dẫn chúng tôi đi qua nhiều bản người Chứt ở xã Trọng Hóa. Điểm đầu, bản Pà Choòng với những nếp nhà sàn nằm san sát tiếp giáp với đường. Lợi thế nằm gần Quốc lộ 12A nên việc đi lại của đồng bào ở Pà Choòng cũng thuận tiện nên đời sống của bà con cũng khấm khá hơn nhờ chăn nuôi trâu, bò và bạt ngàn rừng keo nguyên liệu. Qua bản Ka Oóc, Ra Mai…, bản Chà Cáp được đánh giá là bản khá nhất trên cung đường vào bản Lòm. Với 65 hộ gia đình người Chứt sinh sống, 100% số hộ có xe máy để đi lại.

Từ năm 2020 một số hộ dân tại bản Lòm đã triển khai trồng lúa nước, tuy nhiên vì không có hệ thống tưới tiêu nên năng suất không cao (ảnh tư liệu).

Tôi không nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu dốc, bao nhiêu gầm tràn để đến được bản Lòm. Với 86 hộ gia đình đồng bào Chứt sinh sống quần tụ cạnh con suối sát biên. Giao thông đi lại khó khăn, bà con trong bản luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu đói quanh năm. Cuộc sống của bà con gần như phụ thuộc vào việc lên rừng làm rẫy hoặc kiếm cái ăn.

Ông Hồ Phin – Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Xã Trọng Hóa là xã có 90% dân số thuộc người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước đời sống của bà con nơi đây đã được cải thiện. Đặc biệt đã có những bản trong xã trồng được lúa nước như bản Ka Oóc, Ra Mai, bản Dộ – Tà Vờng…. tuy nhiên với bản Lòm thì việc trồng lúa nước đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống nước tưới tiêu nên đây đang là bài toán khó”.

Trước những chia sẻ của ông Phin, chúng tôi cũng chỉ biết thở dài, nói với ông: “Không biết đến bao giờ bà con nơi đây mới được trồng lúa nước để không phải lo lương thực mỗi mùa giáo hạt, anh nhỉ”.

Trước câu hỏi của chúng tôi, ông Phin mỉm cười nói: “Thấu được cái khó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG) đã đưa vấn đề thiếu đất sản xuất nằm ở vị trí Dự án 1 để triển khai. Điều đó đồng nghĩa với việc “thiếu đất sản xuất” cần được khắc phục ngay trên hành trình phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Riêng ở bản Lòm, công tác khảo sát diện tích đất sản xuất, thi công công trình thủy lợi đang được triển khai”.

Chỉ tay về phía chân đồi sát con suối, chị Hồ Thị Chiến nói: “Đó, người ta sẽ làm ruộng lúa nước ở đó. Mấy ngày trước Bí thư Thoi (Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi – PV) cùng nhiều cán bộ về họp bản để bàn về làm lúa nước và thu hồi đất. Dân bản Lòm ai cũng đồng tình và vui lắm chú ạ”.

Điềm tĩnh hơn chị Chiến, chị Hồ Thị Đoan chia sẻ: “Từ đời ông đời cha đến nay chỉ trỉa ngô, trồng sắn và làm lúa ở trên rẫy, đến đời con cháu cũng chỉ trồng lúa và trỉa ngô ở lưng chừng đồi. Mùa giáp hạt năm nào cũng thiếu đói, phải trông chờ vào gạo Nhà nước hỗ trợ. Giờ có dự án lúa nước, dân bản vui lắm”.

Chị Hồ Thị Toàn – Chủ tịch Hội LHPN xã Trọng Hóa cho biết: “Trọng Hóa là xã vùng cao biên giới, xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Minh Hóa. Toàn xã có hơn 900 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Bru – Vân Kiều và Chứt. Cuộc sống của đồng bào nơi đây còn rất nhiều vất vả, khó khăn. Bản Lòm là bản đời sống bà con khó khăn nhất trong xã, tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra. Từ năm 2020 một số bà con trong bản cũng đã trồng lúa nước nhưng vì không có nước tưới tiêu nên năng suất không cao. Hi vọng sau khi hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia, giấc mơ lúa nước của bà con trong bản Lòm sẽ thành hiện thực”.

Giấc mơ lúa nước sắp thành hiện thực

Giữa màu xanh của núi rừng, bản Lòm nép mình dưới chân núi Giăng Màn xanh thẳm. Và trong ngôi nhà sàn nép mình dưới chân núi, những câu chuyện về an cư lạc nghiệp, phong tục văn hóa của đồng bào được nối dài…Có lẽ câu chuyện chúng tôi được nghe nhiều nhất trong thời gian này là niềm vui, sự hi vọng của bà con sắp được cày cấy trên chính ruộng của mình, sẽ có những mùa vàng bọi thu, sắp không phải lo cảnh thiếu lương thực mỗi mùa giáp hạt.

Nói về vấn đề này, ông Hồ Phin – Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia rất nhiều nội dung, trong đó nội dung thực hiện dự án lúa nước ở bản Lòm được Đảng ủy, Ủy ban quan tâm nhất. Hiện nay, công trình thủy lợi làm lúa nước cho đồng bào ở bản Lòm được coi là bước khởi đầu trong hành trình đưa ruộng lúa nước về với bản Lòm đã được triển khai xây dựng. Tại Quyết định số 1419 ngày 12/10/2022 của UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã quyết định phân bổ vốn 700 triệu đồng cho công trình. Hiện công trình đã bước vào thi công ngăn đập tích nước phục vụ sản xuất lúa nước sau này ở bản Lòm”.

Tin rằng với đề án mới, giấc mơ lúa nước của bà con bản Lòm không còn xa (ảnh Mạnh Cường)

Ông Phin cho biết thêm, hiện chính quyền địa phương đã lập xong quy hoạch, khảo sát khả thi hơn 6ha ở bản Lòm làm lúa nước. Cùng với đó, dự án nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của đồng bào ở bản Lòm đã làm cho “con đường” đưa ruộng lúa nước về với bản Lòm thêm rộng mở.

Với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng, nguồn từ Chương trình MTQG, Dự án làm ruộng lúa nước cho đồng bào ở bản Lòm có quy mô hơn 6ha. Dự án được thi công theo hình thức cắt lớp, phân tầng ruộng theo dạng bậc thang. Theo nhận định của người dân ở bản Lòm, vùng đất được quy hoạch vào sản xuất lúa nước có chất đất tốt. Hơn nữa đã có công trình thủy lợi đã được triển khai xây dựng nên thuận lợi trong việc canh tác.

Khi Dự án hoàn thành đưa vào sản xuất, mỗi hộ gia đình ở bản Lòm được chia khoảng 1,5 sào ruộng lúa nước. Đây là sinh kế quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết vấn đề thiếu lương thực của đồng bào ở bản Lòm bấy lâu nay. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, tin rằng một ngày không xa cái đói sẽ lùi xa dần theo những mùa vàng trên cánh đồng mới.

Quỳnh Chi