Dự án “treo” cản trở sự phát triển của đất nước

Các công trình, dự án “treo” hay thi công nhỏ giọt, chậm trễ là những “cục máu đông” cản trở sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, thấu hiểu nỗi khổ của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án treo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để rà soát nhằm xóa bỏ, làm khơi thông các dự án, giải quyết các vướng mắc giúp cuộc sống người dân tốt hơn.

Dự án “treo” và trách nhiệm trước nhân dân - Ảnh 1.

Được Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi, ông Nguyễn Hữu Thuận, người trông coi kho vật tư công trình xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức từ năm 2015 cho biết nhiều người dân đi qua đây đều bày tỏ sốt ruột trước hiện trạng của dự án, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn, các bệnh viện lớn ở Trung ương đều quá tải – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công trình chậm tiến độ, “trùm màn đắp chiếu”, xảy ra tại nhiều địa phương, khiến cuộc sống nhiều gia đình khó khăn, nhiều người vất vả. Tiền của dân nằm ở đó cả. Dự án càng chậm càng bị đội vốn đầu tư, công trình không đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả đầu tư, tiền vay nợ phải trả lãi suất, chậm ngày nào tăng tiền lãi ngày đấy.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, “tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”.

Cũng trong phiên họp Chính phủ nêu trên, Thủ tướng đã chỉ ra đúng căn bệnh trong việc chây ỳ các dự án đầu tư, đó là tinh thần thiếu trách nhiệm, là sự vô cảm. Theo Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương “là những người nắm rõ nhất việc này, chúng ta nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy những ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở, trừ những người vô cảm”.

Thủ tướng đã dành những ngày nghỉ cuối tuần đi thị sát hiện trường, đến tận các “điểm nóng” để chứng kiến “bằng da bằng thịt” nhằm gỡ vướng, làm sao sớm đưa dự án “hồi sinh”, đi vào hoạt động.

Liên tục các chuyến thị sát từ dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên, đến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên (TPHCM), và mới tuần trước là 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam (cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai)…, những dự án nan giải nhất, Thủ tướng đang cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc khai thông bế tắc ở những dự án rất quan trọng, đang chôn vốn rất lớn, gây bao lãng phí trong khi người dân mong mỏi có những bệnh viện chất lượng cao để chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Dự án “treo” và trách nhiệm trước nhân dân - Ảnh 2.

Trực tiếp khảo sát hiện trường khu vực Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng bày tỏ sự “xót ruột” và “sốt ruột” khi thấy nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét để ngoài trời nhiều năm nay – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến “người bảo vệ ở kho thiết bị cũng bày tỏ “xót ruột” với thực trạng dự án, chỉ mong muốn giải quyết việc này cho sớm. Người dân còn như vậy, thì chúng ta ngồi đây phải thấy trách nhiệm của mình thế nào”, Thủ tướng nhấn mạnh khi thị sát Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Không thể không suốt ruột với một dự án bắt đầu từ năm 2007, và đến giờ vẫn ngổn ngang, bỏ hoang với những lô thiết bị phủ bạt bỏ ngoài trời, hoặc rỉ sét trong kho suốt 15 năm.

Hay thị sát 3 dự án bệnh viện lớn tại Hà Nam vào tuần trước, Thủ tướng đã gặp, trao đổi, nghe ông Nguyễn Hữu Thuận, người trông coi kho vật tư công trình xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức từ năm 2015 cho biết, nhiều người dân đi qua đây đều bày tỏ sốt ruột trước hiện trạng của dự án, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn, các bệnh viện lớn ở Trung ương đều quá tải.

Thủ tướng nhìn nhận, vừa qua, từ thực tiễn kiểm tra xử lý những dự án ở tình trạng này thì thấy nguyên nhân thường xuất phát từ những yếu kém, sai lầm trong các khâu: lập dự án, tư vấn, thẩm định, quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, đấu giá, ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, có một nguyên nhân lớn không gì khác ngoài “vô trách nhiệm”, là “trách nhiệm treo” chứ không phải dự án treo.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai sót và phải xử lý nghiêm.

Các ý kiến đều đồng tình rằng, rất cần mạnh tay với việc treo chức mọi cán bộ để xảy ra tình trạng dự án treo, chưa “trách nhiệm trước nhân dân”. Sự lãng phí còn đáng sợ hơn tham nhũng, gây thiệt hại cho nền kinh tế hơn cả tham nhũng.

Rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột và lo lắng về sự chậm trễ của nhiều dự án lớn. Sớm thay thế những cán bộ yếu kém, vô cảm, đủng đỉnh, bởi “ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” là thông điệp cần được thực thi nhất quán lúc này để khơi thông “cục máu đông” dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân đầu tư công, bởi các cán bộ đó cũng chính là các “cục máu đông”.

Mạnh tay bốc đúng thuốc, dùng đúng liều… thì việc chữa trị “căn bệnh” chậm tiến độ sẽ hiệu quả, người dân bớt khổ, đất nước có cơ hội phát triển.

Đức Tuân (chinhphu.vn)