Đề xuất xây dựng hàng loạt trung tâm logistics tại TP.HCM

TTV- TP.HCM sẽ triển khai xây dựng hàng loạt trung tâm logistics từ nay đến năm 2025 với tổng diện tích hơn 750ha.

Theo đề án Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, tại hội thảo về logistics do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức ngày 4/7.

Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết cụ thể, xây dựng Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức; lập quy hoạch phân các khu Trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha, gồm: Cát Lái – Phú Hữu – TP Thủ Đức (diện tích 292ha), Long Bình – TP Thủ Đức (diện tích 54ha), Linh Trung – TP Thủ Đức (diện tích 74ha), Củ Chi (diện tích 15ha), Tân Kiên – huyện Bình Chánh (diện tích 60ha), Hiệp Phước – huyện Nhà Bè (diện tích 100ha), Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150ha).

Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics TP.HCM với tổng diện tích hơn 750ha. Ảnh: báo Dân Việt

Ngoài các trung tâm logistics theo đề án thì các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng; yêu cầu cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư… đồng thời là trung tâm phân phối, hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử nội thành, kéo giảm ùn tắc giao thông.

Nhằm phục vụ hệ thống logistics TP.HCM sẽ tiến hành rà soát, thống kê số liệu kho bãi tập trung trên địa bàn thành phố để đầu tư nâng cấp và phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và TP.HCM gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt; gắn kết đồng bộ với Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030.

Đồng thời sẽ xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải; xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; lập bản đồ số logistics để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công tác thống kê, tra cứu, hoạch định, tìm kiếm và tối ưu hóa mạng lưới logistics tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận…

Ngành Logistic có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM. Ảnh: báo Công Lý

Ngành logistics được kỳ vọng trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030.

Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Đồng thời, TP.HCM sẽ góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 – 15%.

Đến năm 2025, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70%. Tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, kết nối logistics chiếm 3% – 5% trong tổng số doanh nghiệp logistics TP.HCM, hướng đến hình thành đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt, có khả năng dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics khu vực phía Nam và cả nước.

TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu thành lập Trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics kết nối doanh nghiệp logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại.

Song song đó xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa bàn TP cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn TP.HCM hoặc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần gia tăng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics.

Kim Phụng