Tối 10/3 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề Buôn Ma Thuột “điểm đến của cà phê thế giới”.
Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y Thanh Hà Niê Kđăm – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; các vị đại sứ, tổng lãnh sự các nước, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Phạm Ngọc Nghị – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lễ hội; Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành hữu quan cùng đông đảo du khách trong, ngoài nước và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Phạm Ngọc Nghị – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lễ hội nhấn mạnh: “Với diện tích cà phê hơn hai trăm ngàn hec-ta và sản lượng thu hoạch hàng năm trên năm trăm ngàn tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Được sự đồng ý của Chính phủ, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột – ngày hội vinh danh ngành cà phê Việt Nam đã trở thành Lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần; là nơi để hội tụ và tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin, cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục phát huy tiềm năng, nội lực, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ để xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tạo động lực mạnh mẽ phát triển tỉnh Đắk Lắk cùng các tỉnh Tây Nguyên sánh bước với cả nước trên con đường phát triển, đúng theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị.
Lễ hội được tổ chức lần này, bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê, còn có Hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên… Đặc biệt là sự tiếp nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới”. Đây vừa là cơ hội và cũng là điều kiện thuận lợi mà Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk.
Đồng chí Trần Lưu Quang mong muốn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tăng cường đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tận dụng các tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên.
Ông Trần Lưu Quang lưu ý: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên ngành cà phê Việt Nam cũng vẫn đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua để có thể duy trì đà phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp; xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô; tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng chưa đồng đều; công nghệ chế biến sâu còn hạn chế là một trong những thách thức khi phải đáp ứng các thị trường lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
Ông Trần Lưu Quang đề nghị trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê. Thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng.
Sau phát biểu của lãnh đạo tỉnh và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ là chương trình nghệ thuật với chủ đề: Buôn Ma Thuột “điểm đến của cà phê thế giới”.
Sau phần nghi thức, Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã diễn ra chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc với đông đảo diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, nghệ nhân… tham gia biểu diễn, đặc biệt là sự góp mặt của Đại sứ truyền thông Lễ hội H’Hen Niê – Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2018.
Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 gồm 3 chương: Chương 1: Hương hoa đại ngàn – Lan tỏa năm châu; Chương 2: Văn hóa cà phê – Kết tinh hội nhập; Chương 3: Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Kiến Giang-Thế Hữu