Chính phủ đang tích cực, nỗ lực để sửa đổi Luật Đất đai 2013, được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất, đưa đất đai trở thành một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế – Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 ngày 18/9, chia sẻ về quan điểm về sửa đổi Luật đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” là “kim chỉ nam” trong xây dựng luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc chuyển mục đích sử dụng đất là “lỗ hổng” lớn mà Luật Đất đai 2013 chưa bịt được, từ đó xảy ra một số sai phạm; cần cơ chế để bịt “lỗ hổng” này.
“Quản lý mục đích sử dụng đất phải hết sức chặt chẽ. Đất cho thuê thì phải phát triển sản xuất kinh doanh trên mục đích cho thuê đó, khi không còn nhu cầu sử dụng Nhà nước sẽ thu hồi lại để đấu giá hoặc chuyển cơ quan sử dụng hiệu quả hơn, từ đó tạo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thực sự nhất quán, chính xác, còn có “lỗ hổng”. Khi chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay đa phần sử dụng phương pháp thặng dư. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: “Phương pháp này là không chính xác vì giá trị doanh thu và chi phí đầu tư đều giả định, khi đã giả định thì không chính xác, gây rủi ro pháp lý cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp”.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng sắp tới phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để từ đó có phương pháp xác định phù hợp, chính xác và nhất quán nhất.
Ví dụ như phương pháp so sánh, phương pháp hệ số. Đây là những phương pháp hết sức khoa học. Ví như phương pháp hệ số, bỏ được khung giá đất, khi xây dựng hệ số là tiệm cận thị trường, khi có biến động thì điều chỉnh bằng hệ số, sẽ tạo sự nhất quán, chính xác trong thực hiện các phương pháp này.
Cũng theo Bộ trưởng, về việc giao đất hiện nay, thời điểm xác định giá đất là thời điểm giao đất, nhưng không biết từ thời điểm giao đất đến thời điểm xác định giá đất là 1 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Do đó, phải xác định giá đất trước thời điểm giao đất mới đảm bảo sự chính xác; khi nộp tiền vào ngân sách mới giao đất. Bộ trưởng cũng đề nghị một số vấn đề về thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất… cần phải được đưa vào luật sửa đổi lần này.
Tập trung đánh giá về quá trình 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai 2013 có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước.
Nhưng đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
Bên cạnh đó, có thể thấy, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là đối với khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.
Theo ông Đặng Hùng Võ, để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi như một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến mục tiêu đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Sửa đổi Luật Đất đai cần thảo luận thêm một số vấn đề như: quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Vân Anh