Bão NORU giật trên cấp 17: Người dân tuyệt đối trú ẩn an toàn không ra ngoài trong thời gian nguy hiểm

Bão số 4 là cơn bão lịch sử với những số liệu mà từ trước đến nay các bản tin dự báo bão chưa bao giờ ghi nhận được. Với thời điểm sức gió, bão diễn ra mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ tối nay (27/9), kéo dài cho đến 6-7h sáng mai (28/9), đây là thời điểm cực kỳ nguy hiểm và khuyến cáo toàn bộ người dân, đặc biệt từ khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định phải thực hiện trú ẩn an toàn, tuyệt đối không ra ngoài trong thời gian nguy hiểm nói trên.

Bão NORU giật trên cấp 17 cách Đà Nẵng khoảng 140km, cách Quảng Nam khoảng 127km, cách Quảng Ngãi khoảng 117km về phía Đông

Ảnh hưởng của bão số 4: tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8; Huế có gió giật cấp 6; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Quy Nhơn có gió giật cấp 6; Tuy Hoà có gió giật cấp 6. Lượng mưa tính từ 07h đến 20h ngày 27/9 có nơi trên 180mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 197mm, Thọ Quang (Đà Nẵng) 200.4mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 201.2mm, Núi Thành (Quảng Nam) 185mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 188.6mm.

Vị trí tâm bão (lúc 21 giờ ngày 27/9): khoảng 15.8oN; 109.6oE, cách Đà Nẵng khoảng 140km, cách Quảng Nam khoảng 127km, cách Quảng Ngãi khoảng 117km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo: trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.

Hồi 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần.

Đến 07 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, di chuyển sang Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, báo CAND cho biết, chiều ngày 27/9, vị trí tâm bão ở cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Với cường độ bão như dự báo thì đây là cơn bão mạnh lịch sử. Vùng biển ven bờ và ngoài khơi Trung Bộ có gió cấp 14-15, giật cấp 17, khi vào đất liền bão vẫn còn rất mạnh, đạt cấp 12-14, giật cấp 15. Đây đều là những con số lịch sử mà từ trước đến nay các bản tin dự báo bão chưa bao giờ ghi nhận được“, ông Năng thông tin.

Sức tàn phá của bão số 4 rất lớn, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng

Ông Năng phân tích, với những cấp gió rất lớn như vậy, tất cả các tàu có trọng tải lớn nằm trong vùng hoạt động của bão đều có thể bị đánh đắm.

Khi vào ven bờ, toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền.

Tàu thuyển chỉ neo đậu bằng cách buộc dây vẫn có thể bị sức mạnh của cơn bão cuốn phăng.

Với cấp gió như vậy thì sức tàn phá rất lớn, kèm theo các cột sóng cao từ 4-6m có thể gây chìm, đắm nhiều tàu kể cả là đang neo đậu ở các cầu cảng kín.

Trên đất liền, cấp bão sẽ từ 12-14, giật đến cấp 15. Từ trước đến nay trong các số liệu quan trắc, chúng ta mới chỉ ghi nhận được cấp gió 13 trên đất liền.

Với cấp 14-15, sức tàn phá của bão rất lớn. Nhiều công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các hoạt động từ giao thông, xây dựng, kinh tế.

Đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực neo đậu tàu thuyền, kể cả khi chúng ta đã neo đậu tàu thuyền mà không có những phương án kỹ càng.

Với cấp gió lịch sử như vậy thì sức ảnh của cơn bão này sẽ vô cùng nghiêm trọng. Kèm theo đó là những cột sóng cao 4-6m, vùng tâm bão sẽ khoảng 6-8m thì có thể gây chìm, đắm nhiều tàu, thậm chí kể cả trong các khu vực neo đậu tàu cảng kín.

Người dân phải trú ẩn an toàn tuyệt đối không ra ngoài

“Với thời điểm sức gió, bão diễn ra mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ tối nay (27/9), kéo dài cho đến 6-7h sáng mai (28/9), đây là thời điểm cực kỳ nguy hiểm và khuyến cáo toàn bộ người dân, đặc biệt từ khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định phải thực hiện trú ẩn an toàn, tuyệt đối không ra ngoài trong thời gian nguy hiểm nói trên”, chuyên gia Trần Quang Năng cảnh báo.

Hồng La (TH)