Nhựa Bình Minh bị phạt và truy thu thuế gần 9 tỷ đồng

Vừa qua, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết đã nhận được quyết định xử phạt và truy thu thuế của Tổng Cục Thuế. Nguyên nhân xử phạt bao gồm: Xử phạt 1,2 tỷ đồng do khai sai dẫn tới thiếu số thuế phải nộp; phạt 121 triệu đồng do khai sai dẫn đến thiếu số thuế GTGT phải nộp.

Để khắc phục, Tổng Cục Thuế truy thu Nhựa Bình Minh số tiền thuế nộp thiếu là 4,2 tỷ đồng trong năm 2020, 663 triệu đồng trong năm 2021 và 1,22 tỷ đồng trong năm 2022. Tổng số tiền thuế truy thu là 4,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BMP cũng phải nộp phạt số tiền thuế chậm nộp là 1,3 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền bị phạt, truy thu thuế lên tới hơn 8,66 tỷ đồng. Cơ quan thuế yêu cầu ông Chaowalit Treejak là Tổng Giám đốc, đại diện cho BMP nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

Nhựa Bình Minh bị Tổng Cục Thuế phạt và truy thu thuế gần 9 tỷ đồng
Nhựa Bình Minh bị Tổng Cục Thuế phạt và truy thu thuế gần 9 tỷ đồng

Vừa qua, Nhựa Bình Minh cũng đã có báo cáo giải trình lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so cùng kỳ. Theo đó, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu 2.797 tỉ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái nhưng do chi phí vốn giảm, nên công ty báo lãi ròng 575,4 tỉ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tìm hiểu, Công ty Nhựa Bình Minh tiền thân là Nhà máy Công tư Hợp doanh Nhựa Bình Minh được thành lập năm 1977, sau này cổ phần hoá và nhà nước thoái vốn năm 2018, chuyển sang sở hữu của nhóm cổ đông đến từ Thái Lan. Tính tới cuối năm 2022, cơ cấu cổ đông lớn bao gồm 2 cổ đông là Nawaplastic Industries Co., Ltd sở hữu 54,47% vốn điều lệ; KWE Beteiligungen AG sở hữu 10,85% vốn điều lệ; và còn lại 34,68% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Thêm nữa, Nawaplastic Industries Co., Ltd là nhà đầu tư Thái Lan, Công ty con của Tập đoàn SCG, nhà đầu tư Thái đã có mặt ở Việt Nam từ 1992 và hoạt động ở ba lĩnh vực chính gồm xi măng – vật liệu xây dựng; bao bì và hóa dầu.

Thiên An