Cơ điện Công trình (MES) bị phạt nặng vì không công bố thông tin

TTV – Ngày 7/9, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Cơ điện Công trình (UPCoM: MES) số tiền 92,5 triệu đồng.

MES bị phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, MES không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019, Báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2019 hợp nhất, BCTC năm 2019 đã kiểm toán, Nghị quyết và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020, BCTC quý 1/2020 hợp nhất, Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2020, BCTC quý 2/2020, BCTC bán niên 2020 đã soát xét, BCTC quý 3/2020, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, BCTC quý 4/2020, BCTC năm 2020 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2020, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021;

Dự án Khu đô thị Sài Đồng Lotus trước đây là phần đất do Công ty Cổ phần Cơ điện Công trình quản lý

BCTC quý 2/2021, BCTC bán niên năm 2021 đã soát xét, Báo cáo thường niên năm 2021, Nghi quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022; không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với các tài liệu: BCTC quý 4/2019, BCTC năm 2019 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2019, BCTC quý 1/2020, BCTC quý 2/2020, BCTC bán niên năm 2020 đã soát xét, BCTC quý 3/2020, BCTC quý 4/2020, BCTC năm 2020 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2020, BCTC quý 1/2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021;

BCTC quý 2 năm 2021, BCTC bán niên năm 2021 đã soát xét, Báo cáo thường niên năm 2021, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022; Công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với: Giải trình ý kiến kiểm toán BCTC năm 2020, BCTC quý 3/2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021, BCTC quý 4/2021, Giải trình ý kiến kiểm toán BCTC năm 2021, BCTC năm 2021 đã kiểm toán, BCTC quý 1/2022, BCTC bán niên năm 2022 đã soát xét, BCTC quý 3/2022, Giải trình ý kiến kiểm toán BCTC 2022, Giải trình lợi nhận sau thuế BCTC năm 2022 chênh lệch 5%, Giải trình lợi nhuận sau thuế năm 2022 bị lỗ, Giải trình lợi nhuận sau thuế năm 2022 thay đổi từ 10%, BCTC quý 4/2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022.

Hiện cổ phiếu MES bị HNX duy trì hạn chế giao dịch do chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.

Trước đó, năm 2022, Thanh tra thành phố Hà Nội ban hành Kết luận số 5968/KL-TTTP-P6 kết luận thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Cơ điện Công trình, giai đoạn từ 2018 -2020.

Theo đó, Công ty Cổ phần Cơ điện Công trình có trụ sở giao dịch tại tầng 8, tháp A, toà nhà tổ hợp Sky Tower, số 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình theo Quyết định số 1366/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 của UBND thành phố.

Tổng nguồn vốn của công ty là 195.151 triệu đồng, gồm: Vốn góp của chủ sở hữu là 186.000 triệu đồng, trong đó Nhà nước góp 183.938 triệu đồng, chiếm 98,89%, người lao động trong doanh nghiệp mua cổ phần ưu đãi, tương đương 1.972.000.000 đồng, chiếm 1,06% và cổ phiếu bán đấu giá công khai, tương đương 90.000.000 đồng, chiếm 0,05%; vay ngắn hạn là 9.000 triệu đồng và vay dài hạn là 151 triệu đồng.

Công ty có 3 xí nghiệp trực thuộc và 2 công ty liên kết là Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Đồng và Công ty Cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí.

Qua thanh tra cho thấy, năm 2018, Công ty Cổ phần Cơ điện công trình đã lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. UBND thành phố có Quyết định số 3996/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2018 của công ty.

Tuy nhiên, năm 2018, công ty chỉ đạt 1/7 chỉ tiêu do UBND thành phố và đại hội đồng cổ đông giao là chỉ tiêu về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Bên cạnh đó, công ty tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 chậm 4 tháng, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 26 Điều lệ Tổ chức và hoạt động của công ty.

Năm 2019 – 2020, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, các thành viên HĐQT và Tổ Quản lý vốn Nhà nước tại công ty mất đoàn kết, không thống nhất để lập báo cáo đánh giá hiệu quả, xếp loại doanh nghiệp năm 2018-2019, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch tài chính năm 2019-2020, vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 33 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ. Dẫn đến, UBND thành phố không có cơ sở ban hành quyết định đánh giá chỉ tiêu năm 2018-2019 và giao chỉ tiêu năm 2019-2020.

Trách nhiệm được xác định thuộc về ông Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Kim Cương – Tổng Giám đốc, các thành viên HĐQT, Tổ Quản lý vốn công ty là các ông, bà: Tô Hữu Chung, Cao Tiến Dũng, Trần Phương Lan.

Ngoài ra, công ty không có báo cáo đầy đủ, kịp thời cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán dẫn đến cổ phiếu của công ty bị dừng giao dịch trên sàn UpCoM, làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm các quy định tại Điều 33, Điều 34 Quy chế Quản trị công ty.

Bên cạnh đó, Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra rằng, tổng số tiền đơn vị gửi tiết kiệm tại các ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2018 chiếm 7,57% tổng tài sản; năm 2019 chiếm 10,35% tổng tài sản; thời điểm 30/6/2020 chiếm 10,82% tổng tài sản, là không đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn của Nhà nước giao. Khoản tiền lãi của số tiền gửi tiết kiệm công ty hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính.

Bên cạnh đó, số dư khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của công ty chiếm tỷ lệ lớn so với tổng tài sản, cụ thể: Thời điểm ngày 31/12/2018 là 44.062 triệu đồng, chiếm 23,5%/tổng tài sản; ngày 31/12/2019 là 47.366 triệu đồng, chiếm 24,7%/tổng tài sản; ngày 30/6/2020 là 43.841 triệu đồng, chiếm 23,4%/tổng tài sản.

Ngoài ra, công ty không xây dựng quy chế quản lý các khoản nợ phải thu. Công ty không tiến hành đối chiếu công nợ và không đôn đốc thu hồi các khoản phải thu, không có phương án xử lý công nợ đối với những công nợ không có khả năng thu hồi, là vi phạm Khoản 1, Điều 26 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó quy định: “1. Doanh nghiệp thực hiện quản lý nợ phải thu như sau: Xây dựng, ban hành, thực hiện quy chế quản lý nợ phải thu… thường xuyên phân loại nợ, đôn đốc thu hồi nợ”.

Không chỉ thế, Công ty MES còn chây ỳ trong việc trả lương khi từ tháng 7/2020 và có văn bản của Sở LĐTBXH và Toà án có phán quyết yêu cầu chi trả nhưng công ty vẫn không chấp hành.

Nguyễn Chi (t/h)