Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua nền tảng thương mại điện tử dự báo diễn biến phức tạp trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới.
Thông tin này vừa được đưa ra tại tọa đàm về chống hàng lậu, hàng giả do Tổng cục Hải quan tổ chức hôm (2/12).
Theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, trước đây, hàng giả xuất hiện nhiều ở các cửa hàng truyền thống thì nay được bán tinh vi hơn trên các trang thương mại điện tử uy tín, .
Bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng cho biết, xe máy và phụ tùng xe máy là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan và ngày càng tinh vi. Đặc biệt, các mặt hàng chủ yếu bán qua kênh online. Bà đưa ra số liệu, 10 tháng, VAMM đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng phát hiện 292 trường hợp bán hàng giả, trong đó dầu giả 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, những vụ việc trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì hàng giả bán trên các trang thương mại điện tử với số lượng rất lớn nhưng chưa xử lý triệt để. Nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nói trên hoặc không xác minh được nguồn gốc…
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cũng cho biết, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, hàng giả phức tạp đã ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, thất thu thuế của nhà nước; thương hiệu, lợi ích của nhiều doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.
Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cho biết, vấn nạn buôn bán vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra rộng khắp với quy mô, tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng.
Ông đưa ra số liệu, tính đến ngày 15/10, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; số thu ngân sách Nhà nước đạt 265,8 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ…
Để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả tuồn vào nội địa, ông Nguyễn Văn Ổn cho rằng, chính các doanh nghiệp bị giả mạo sản phẩm cần phản ánh mạnh mẽ đến cơ quan chức năng cũng như khuyến nghị với người tiêu dùng; qua đó, thúc đẩy các cấp, các ngành cùng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Việt Thu nhận định thêm trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng về nhiều mặt.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, theo bà, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. “Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Đồng thời tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để, không vì giá trị nhỏ mà bỏ qua”, bà Thu nói.
Cùng với đó, bà Phan Thị Việt Thu cũng cho rằng, trách nhiệm của người tiêu dùng là nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để có thể tự bảo vệ mình khi sử dụng hàng có vấn đề về chất lượng.
Theo Dân Trí