Doanh nghiệp và những thách thức trong thời gian tới

Phát biểu tại Tọa đàm: “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 8/10, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết: “Giai đoạn Covid-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó, nhưng tôi cho rằng sắp tới đây, việc giải bài toán này không hề đơn giản.”

Sau 1 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các doanh nghiệp đã được “trở mình” đáng kể.

Ông Phạm Tấn Công – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho biết, các quyết sách tại Nghị quyết 128 đã giúp bảo toàn năng lực cho doanh nghiệp hiện nay không đổ vỡ quá nhiều trong đại dịch. Các quyết sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ đào tạo lại cho lao động trong doanh nghiệp, bao gồm cả chính sách hỗ trợ về thuế, giảm thuế. Minh chứng là kết quả quý 3/2022 có sự tăng trưởng lớn.

Tọa đàm: “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó”.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng đồng quan điểm trên, ông cho rằng cái nguy hiểm nhất của nền kinh tế là đứt gãy chuỗi cung ứng – sản xuất. Do đó, cả Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành đều vào những trung tâm dịch lớn nhất và cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất để giữ được nền sản xuất.

Chia sẽ về những thách thức của các doanh nghiệp trong thời gian tới, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, đơn hàng hiện nay có nguy cơ giảm trong khi đơn hàng là điểm sống còn đầu tiên của doanh nghiệp nên cần hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều về vấn đề này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện nay rất khát vốn, nhưng bài toàn đặt ra là có nên tiếp tục bơm vốn không trong khi lạm phát cũng là nguy cơ thường trực, lãi suất thế giới cao ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái từ đó tác tác động đến xuất nhập khẩu.

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC cho biết, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu nên cần khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. Với nhiều doanh nghiệp khác, năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch kém hơn rất nhiều nên họ rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Cũng theo các chuyên gia, để giúp doanh nghiệp phục hồi, ngân hàng với các doanh nghiệp phải “thông mạch” với nhau. Các cơ quan quản lý cũng phải “thông mạch” với các doanh nghiệp để tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường vốn. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp vừa được ban hành là một nỗ lực theo tinh thần khai thông thị trường vốn, nhưng cần thực hiện hiệu quả để vừa an toàn, vừa thỏa mãn “cơn khát” vốn.

Các doanh nghiệp được khuyến nghị là cần coi đại dịch vừa qua và giai đoạn phục hồi này là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp bật lên thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần coi trọng, quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh; bởi nguồn lực to lớn và uy tín sẽ tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được. Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này. Giai đoạn Covid-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó, nhưng tôi cho rằng sắp tới đây, việc giải bài toán này không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt hơn”.

Vân Anh