Tọa đàm công tác bảo vệ và xử lý tội phạm về động vật hoang dã

Nhằm triển khai các hoạt động giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác, sáng ngày 11/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi tọa đàm truyền thông với chủ đề: “Tuyên truyền về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã’’

Tọa đàm nhằm thông tin kịp thời đến các cơ quan báo chí về thực trạng săn bắt, mua bán động vật hoang dã và công tác xử lí vi phạm trên phạm vi cả nước. Từ đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã đặc biệt là các chế tài của pháp luật đối với hành vi xâm hại động vật hoang dã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống thuận lợi để các loài động vật này sinh sôi phát triển. Giúp cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống lành mạnh cho con người.

Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại sự kiện, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, Việt Nam là nước có nguồn và thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Theo số liệu của EVN, giai đoạn 2005 đến 2021 có đến 21.839 vụ liên quan đến động vật hoang dã với 58.660 hành vi. Đáng lưu ý, số vụ vi phạm có chiều hướng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, năm 2014 (2.054 vụ) đến năm 2021 (3.730 vụ). Đối với tình trạng các sản phẩm bất hợp pháp từ voi và động vật hoang dã trong nước: Năm 2021 cơ quan chức năng đã phát hiện 575 vụ buôn bán ngà voi; 590 vụ liên quan đến Gấu; 581 vụ liên quan đến Hổ…

Chỉ trong quý I/2022, cơ quan chức năng đã xử lý 808 vụ việc mua bán các sản phẩm động vật hoang dã trái phép. Về tình hình xử lí tội phạm về động vật hoang dã trên cả nước: Số lượng các vụ án được đưa ra xét xử và đối tượng bị phạt tù tăng dần theo từng năm (2016 là 54 vụ; 2017 là 64 vụ; 2018 là 60 vụ; 2019 là 92 vụ; 2020 là116 vụ; 2021 là142 vụ). Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ động vật hoang dã.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thông tin về hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã và ngà voi ở Việt Nam tại buổi tọa đàm.

Về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk, Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong giai đoạn 2018-2022, đơn vị đã phát hiện 268 vụ việc trong đó có 160 vụ vi phạm trên Internet với tống số hành vi vi phạm là 1.425. Cuối tháng 3/2022 đơn vị đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đồng loạt kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh trang sức trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 2 cơ sở buôn bán sản phẩm trái phép từ động vật hoang dã. Tham mưu UBND tỉnh xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Về khó khăn trong quá xử lý, Thiếu tá Nguyễn Thế Anh cho rằng, trong quá trình xử lý sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, nanh heo, móng hổ. Cần phải gửi đi giám định, trong khi đó thời gian giám định lâu cùng chi phí lớn khiến công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Đắk Lắk thông tin về công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã và ngà voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Cũng tại sự kiện, ôngTrương Văn Ty (cán bộ chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong năm 2020 đơn vị đã xử lý 10 vụ vi phạm liên quan đến động vật rừng tịch thu 27 cá thể, trọng lượng 95,8kg. Năm 2021, đơn vị đã xử phạt 8 vụ liên quan đến hành vi săn bắn và vận chuyển trái phép động vật rừng. Trong đó, xử lý hình sự 2 vụ; phạt hành chính 6 vụ. Đầu năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở  NN&PT NT trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý động vật rừng để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên 8 cá thể: 1 tê tê ; 1 vọoc bạc đông dương; 6 khỉ đuôi lợn. Ngoài ra, các đại biểu đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo về ĐVHD và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, đặc biệt là các cơ sở, đối tượng đã từng vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí. Ông mong muốn các cơ quan báo chí đặc biệt là các cơ quan báo chí Trung ương luôn đồng hành hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ động vật hoang dã, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tin rằng, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự hỗ trợ của báo chí, công tác bảo vệ động vật hoang dã sẽ sớm đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hữu Nguyên