Brand Map – 4 Thành Phần Chính Trong Chiến Lược Thương Hiệu

Để tạo dựng một thương hiệu nổi tiếng là cả một chặng đường dài. Con đường ấy không trải đầy hoa hồng, mà gập ghềnh khó đi. Nhưng “gian nan tạo cơ hội”, ở những thời thế khó khăn, con người mới nắm bắt được những cơ hội mà thường ngày không thấy.

Hãy tưởng tượng con đường tạo dựng thương hiệu của bạn giống như một chuyến phiêu lưu tìm kho báu nơi đại dương. Trên chuyến đi, rất nhiều các tàu hạm đối địch dùng mọi thủ đoạn, nhăm nhe đánh chìm tàu bạn. Nhưng sau mỗi cuộc chiến, bạn lại tích lũy cho mình thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng và ghi dấu ấn cá nhân. Giống như khi chúng ta xây dựng thương hiệu, mỗi bước sẽ định hình rõ nét giá trị cốt lõi của thương hiệu mà bạn muốn truyền tải tới công chúng.

Bạn đang băn khoăn về cách tạo dựng chiến lược thương hiệu? Hãy nhập vai thành vị thuyền trưởng vĩ đại Jack Sparrow trong bộ phim nổi tiếng Cướp biển vùng Caribe, cùng nhổ neo đi tìm hòm kho báu bí ẩn. Bản đồ thương hiệu (Brand Map) quý giá trong chiếc rương sẽ tiết lộ 4 yếu tố giúp bạn có được một thương hiệu tầm cỡ toàn cầu:

Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu?

Vision (Tầm nhìn): Đích đến chuyến phiêu lưu của thương hiệu

Trong chuyến hành trình tìm kiếm kho báu vô giá, bản tuyên bố tầm nhìn chiến lược (vision statement) chính là đích chuyến tàu cần hướng đến. Nó phải truyền tải một cách rõ ràng và tường minh tới công chúng mục tiêu doanh nghiệp của bạn.

Thường khi xác định mục tiêu, tôi thường đặt cái “tôi của hiện tại” để nghĩ ra viễn cảnh của doanh nghiệp tôi 5 năm về sau: Lĩnh vực doanh nghiệp tôi kinh doanh? Quy mô tổ chức của nó? Doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu nào? Tầm ảnh hưởng công ty tôi tác động tới xã hội?

Càng chi tiết càng tốt, hãy xây dựng một viễn cảnh doanh nghiệp vừa mang tính thực tế, mà cũng không kém phần táo bạo, tham vọng. Và bạn cũng đừng quên chia sẻ mục tiêu này tới nhân viên, khách hàng hay đối tác của mình.

Nó thực sự hữu ích, khi họ có thể giúp bạn “kéo từ chín tầng mây viển vông” xuống mặt đất, hay cũng có thể “vẽ những giấc mơ hoang dại” khi bạn đánh giá quá thấp năng lực doanh nghiệp mình.

Tại sao thương hiệu cần Tagline, Slogan, Vision và Mission?

Outcomes (Kết quả): Mục tiêu của chuyến phiêu lưu

Kết quả chính là những mục tiêu bạn đề ra khi tạo dựng chiến lược thương hiệu. Nó như chiếc xương sườn định hình tầm nhìn chiến lược bạn vừa xây dựng. Việc xác định rõ mục tiêu mang tính định lượng, có thể cân đo đong đếm được, bạn có thể vẽ ra đường đến chiếc “hòm kho báu” của doanh nghiệp bạn.

Hãy hoạch định mục tiêu theo thời gian cụ thể – kế hoạch 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm. Mỗi mốc thời gian, bạn lại xác định rõ 5 mục tiêu cụ thể cần đạt được (hãy nhớ 5 mục tiêu này cần mang tính định lượng). Nó có thể là “doanh số hay thị phần bạn muốn đạt được sau 5 năm tới?” hay “làm cách nào có thể thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên từ 5% lên gấp đôi?”.

Nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn, đừng xác định quá 5 mục tiêu cho một mốc thời gian. Theo số liệu thống kê, càng nhiều các mục tiêu liên quan tới sự tăng trưởng được đề xuất, doanh thu của doanh nghiệp bạn càng sụt giảm.

Value (Giá trị): Niềm tin bạn muốn truyền tải

Nếu giá trị của thương hiệu bị lờ đi, bạn đang đặt nó vào tình thế nguy hiểm.

Nếu bạn muốn trả lời cho câu hỏi: Điều gì trong doanh nghiệp cần phải bền vững và ổn định, thì câu trả lời tất yếu nằm ở giá trị – thứ nền tảng cốt lõi cho các kiến trúc thượng tầng. Giá trị là thứ da thịt, là dòng máu ấm chảy trong mỗi doanh nghiệp không thể tách rời.

Trong chuyến đi về miền đất hứa, giá trị chính là người hoa tiêu thạo đường, dẫn lối cho con thuyền đi đến đúng đích, và cùng bạn đưa ra các quyết định đúng đắn trước mỗi cơn sóng dữ.

Giá trị còn lớn hơn cả những lời lẽ sáo rỗng, không chỉ là sự trong sạch, tôn trọng, hay chất lượng dịch vụ tuyệt hảo, nó còn là niềm tin, thứ mà chúng ta muốn hướng tới cũng như truyền tải tới công chúng mỗi khi doanh nghiệp rơi vào cơn khủng hoảng nghiêm trọng.

Giá trị phải là những nguyên tắc bất di bất dịch, là “hoa tiêu” cho cả doanh nghiệp.

Journey (Cuộc hành trình): Con đường đến miền đất hứa

Tầm nhìn chiến lược và các mục tiêu đã được đề ra, đã đến lúc khởi hành cho chuyến hành trình dài hơi.

Hãy thử tự hỏi bản thân ba câu hỏi sau để xây dựng các kịch bản cho cuộc hành trình. Nó ứng với cách mà bạn có thể thiết lập chiến lược thương hiệu:

  1. Bạn đang đứng ở đâu trong thị trường, định hướng doanh nghiệp bạn muốn đi đến?
  2. Thứ gì đang hoạt động hiệu quả trong doanh nghiệp của bạn? Thứ gì không?
  3. Người nào trong doanh nghiệp của bạn đang bứt phá và bật lên phía trước? Người nào đang bị kìm hãm và tụt lại phía sau?

Với một chiến lược táo bạo, thử thách chông gai là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu vị thuyền trưởng con tàu biết cách thúc đẩy doanh nghiệp bằng một tầm nhìn rõ ràng nhưng không kém phần thử thách, một mục tiêu thực tế mà cũng ẩn chứa niềm tin lớn lao, và một “hoa tiêu” thạo đường mà tỉnh táo, cuộc hành trình tìm về miền đất hứa chắc chắn sẽ đem lại nhiều hoa thơm trái ngọt đến với những ai nỗ lực băng qua cơn giông bão khủng hoảng.

Customer Experience: Nâng Cao Trải Nghiệm Khách Hàng

Lợi ích của doanh nghiệp trong xây dựng Brand Map hiệu quả

Bằng việc sử dụng biểu đồ trực quan, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng và thiết lập định hướng phát triển thương hiệu một cách rõ ràng. Cùng ThiCao tìm hiểu 3 lợi ích mà doanh nghiệp có được khi xây dựng Brand Map:

#1: Thấu hiểu định vị thương hiệu trên thị trường

Một cách đơn giản, biểu đồ Brand Map có thể giúp người đọc hình dung vị trí của thương hiệu trong mắt của khách hàng. Nói cách khác, Brand Map giúp doanh nghiệp định vị Brand Perceptionnhận thức về thương hiệu của khách hàng.

Mỗi một trục đều thể hiện đặc tính khác nhau của thương hiệu mà doanh nghiệp đang tìm hiểu. Như việc so sánh mức độ ngọt và tự nhiên của các loại đường, người ta có thể vẽ Brand Map để hình dung rõ hơn về vị trí của các nhãn hàng.

#2: Định hướng thương hiệu trong tương lai

Với một bản đồ thương hiệu trực quan, bạn hoàn toàn có thể xác định được hình ảnh của thương hiệu trong tương lai, giống như điều mà thương hiệu đường Equal đang hướng tới: Tự nhiên hơn, và cũng cung cấp cho khách hàng nhiều hương vị hơn (tức là ngon hơn) khi sử dụng.

#3: Liên kết với chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp

Một trong những lợi ích khác mà Brand Map có thể đem lại cho nhà quản trị, đó chính là xác định xem định hướng của thương hiệu trong tương lai có phù hợp với chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp hay không.

Ví dụ trong trường hợp của Equal, công ty xác định rằng mặc dù định hướng tự nhiên và đậm đà hương vị là cần thiết để tăng trưởng doanh số, họ nhận ra rằng, cần phải có một thương hiệu ít ngọt để cạnh tranh với đối thủ là Truvia. Vì thế, hãng có sáng kiến là phát triển thương hiệu mới Naturals, vừa giúp doanh nghiệp khai phá thị trường dành cho khách hàng háo ngọt, vừa đảm bảo thị phần thị trường cũ của Equal vẫn được bảo toàn.

Nguồn: ThiCao