Tết Hổ! – Tạp Chí Điện Tử TTV

Tại Trung Quốc, tập tục sùng bái và thờ cúng Hổ cũng bắt nguồn từ khu vực hổ thường hoạt động. Một số dân tộc thiểu số vùng Hắc Long Giang, đều có tín ngưỡng thờ thần hổ. Tín ngưỡng này khởi nguyên từ rất nhiều truyền thuyết hay về hổ. Chẳng hạn như truyền thống của dân tộc A Khắc Đằng Bộ, hay dân tộc Hách Triết đều cho rằng: Khai tổ của họ là do một người con gái đã kết hôn với hổ rồi sinh ra, cho nên họ phải thờ cúng hổ, tôn sùng hổ như là một vị thần tối cao, mà không được săn bắt hổ lấy thịt, lấy da như các dân tộc khác. Đây cũng có thể là tập tục sùng bái vật tổ xuất hiện rất sớm ở thời kỳ viễn cổ.

Tại vùng núi phía tây tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đã từ lâu, cộng đồng hơn 30 sắc tộc ở đây đều xem Hổ như một vị thần linh và bản nguyên vũ trụ. Họ coi mắt phải của Hổ tượng trưng cho mặt trăng, mắt trái tượng trưng cho mặt trời, răng Hổ là sao, râu mép Hổ là tia nắng, máu Hổ là nước biển, da Hổ là đất, lông Hổ là cây cỏ… Như vậy, Hổ đã là biểu tượng, đại diện cho trời đất và người ta quan niệm nếu không có Hổ thì họ cũng không tồn tại được trên cõi đời này. Vì thế, vào mùa Xuân mỗi năm, người dân nơi đây tổ chức đón một lễ tết rất hoành tráng, gọi là “Tết Hổ”.

Tranh ngũ Hổ

Tết Hổ bắt đầu từ ngày mồng 8 tháng Giêng và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng. Phong tục tổ chức Tết Hổ kéo dài đến năm 1952 thì bị xóa bỏ, sau đó vào năm 1988 lại được khôi phục và phát triển đến nay. Vào sáng mồng 8 tháng Giêng, mọi người tề tựu đông đủ trước bãi đất rộng của mỗi làng. Họ đốt lên một đống lửa lớn và chọn 8 nam thanh niên to khỏe hóa trang thành 8 con Hổ, trên mình khoác bộ áo da. Những chỗ da trên người đều được bôi vẽ bằng phẩm màu đen, vàng cho giống hệt da Hổ và giữa trán thì được viết vào một chữ “vương” màu trắng thật rõ. Khi trời xẩm tối, tám con Hổ này cứ chạy ra chạy vào trong rừng, trông như Hổ xuống núi, thật dữ tợn.

Khi lễ khai mạc chính thức bắt đầu. Một già làng hóa trang thành Hổ đen, từ từ tiến vào sân bãi. Theo sau là hai người đàn ông cao tuổi được hóa trang như hai vị thần núi, đầu lắc lư, miệng thổi ống đồng, phát ra âm thanh uy nghiêm và một đôi nam nữ được hóa trang như mèo – gọi là “vợ chồng vua mèo”. Người dân quan niệm mèo với Hổ có họ hàng thân thích nên ngày lễ tết phải mời mèo đến dự. Sau nữa là 4 thanh niên mặc quần áo màu vàng, mỗi người đeo một cái trống da dê, vừa đi vừa vỗ vào trống, nhảy múa, nhịp điệu rộn ràng. Cuối cùng là 8 thanh niên đã hóa trang thành Hổ.

Sau khi tuyên bố khai mạc, già làng – Hổ đen dẫn đầu đoàn người đi vòng quanh đống lửa, theo nhịp trống vừa đi vừa hát những lời cầu ông tổ loài Hổ ban cho một năm mới mạnh khỏe, phát đạt, vạn sự suôn sẻ và bình yên. Những người khác trong sân bãi cũng múa, hát theo rồi tham gia các trò chơi thể thao. Mỗi đêm kế tiếp, sẽ có thêm những bài hát, điệu múa, trò chơi mới.

Ngày cuối cùng của Tết Hổ, từ 5 giờ sáng, già làng – Hổ đen đã cùng hai vị “thần núi” đến từng nhà để bái niên và chúc phúc. Các gia đình đều đem rượu thịt, lễ vật ra tận cổng chào đón, kính biếu và tạ ơn “lão hổ”. Đến tối, lễ múa hát bế mạc Tết Hổ diễn ra tưng bừng dưới ánh trăng rằm.

Nhìn chung, những phong tục sùng bái và thờ cúng Hổ thường được tổ chức vào lúc nông nhàn trong năm hoặc sau khi thu hoạch mùa màng. Điều này đã phần nào thể hiện được đời sống tinh thần phong phú và phản ánh mong muốn, ước vọng về một cuộc sống yên bình, no đủ, có sự che chở, bảo vệ của một loài vật dữ tợn có sức mạnh phi phàm./.

Gia Hân